Bộ Y tế cho biết, tay-chân-miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B và phải thực hiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch.
Bệnh TCM chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nguyên tắc phòng chống dịch quan trọng là phát hiện sớm và cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và môi trường, khử trùng dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân TCM…
Việc điều trị được thực hiện đúng phác đồ đã được Bộ Y tế ban hành.
Bộ cũng lưu ý các biện pháp xử lý ổ dịch. Ở khu vực nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ hai trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, lớp được nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
Tại gia đình, bệnh nhân phải được cách ly. Khi có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà gật, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao ( từ 39,5 độ C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để virus lây lan sang người khác. Phân và chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng chloramin B.
Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân, cán bộ y tế phải áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua đường tiếp xúc để phòng ngừa lây lan trong bệnh viện.
Cần tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức, đặc biệt là phụ huynh học sinh, người làm công tác hậu cần ở nhà trường các kiến thức về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh TCM.
Theo NDĐT