Các đơn vị đang tiến hành hoàn thiện thủ tục bàn giao là: Doanh nghiệp Phú Hải (Yên Mỹ-Yên Mô) và HTX điện lực Khánh Phú (Khánh Phú-Yên Khánh) đã tiến hành xong kiểm đếm tài sản, đang hoàn thiện hồ sơ để trình hội đồng định giá tài sản tỉnh.
Các đơn vị đã đồng ý về chủ trương như: Doanh nghiệp tư nhân Sơn Tây (Yên Mạc-Yên Mô), Doanh nghiệp tư nhân Vũ Mạnh Dân (Yên Mỹ-Yên Mô). Như vậy đến thời điểm này còn 5 đơn vị chưa có chủ trương bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý là các HTX điện lực Kim Chính, Kim Tân, Quang Thiện (Kim Sơn ); HTX điện lực Gia Trấn và HTX nông nghiệp Đồng Chưa (Gia Viễn).
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình) cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã lập kế hoạch, phân loại từng khu vực và tập trung đầu tư cải tạo lưới điện, thay thế công tơ, chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa vật tư thu hồi, tranh thủ nguồn vốn đầu tư sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn để cải tạo tối thiểu lưới điện mới tiếp nhận. Từng bước nâng cao chất lượng điện, huy động các nguồn vốn đầu tư lắp thêm trạm biến áp để san tải, giảm bán kính cấp điện; tổ chức phát quang hành lang tuyến đường dây, đấu nối đường dây theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, Công ty đã bố trí các điểm trực tại các xã để thu tiền điện và giải quyết tại chỗ kịp thời những yêu cầu của dân; mỗi chốt trực có 2 nhân viên điện lực chịu trách nhiệm quản lý khoảng 2.000 - 3.000 khách hàng; khi khách hàng có yêu cầu chỉ cần gọi điện thoại đến các điểm trực là sẽ có người giải quyết ngay các sự cố. Nếu cần thiết, các chốt gần nhau sẽ hỗ trợ ứng cứu để khắc phục, giải quyết nhanh các vấn đề.
Điều đáng quan tâm hơn cả là: Trước khi tiếp nhận lưới điện, tổn thất điện năng bình quân tới 35% - 40%, có nơi tới 50%. Hậu quả là người dân phải dùng điện giá cao, có nơi lên tới 1.500 đồng/kWh. Sau khi chuyển giao về điện lực địa phương quản lý, mức tổn thất trung bình chỉ còn 11%, thậm chí Chi nhánh điện lực Hoa Lư chỉ tổn thất 5%. Người dân được hưởng giá điện bậc thang với chất lượng điện ổn định, an toàn, lại có hợp đồng mua bán điện, có hóa đơn tiền điện minh bạch, công tơ kẹp chì, được sử dụng giá điện sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với trước.
Nếu như trước đây, người dân phải trả ở mức phổ biến trên 1.000 đồng/kWh thì sau khi bàn giao điện nông thôn cho ngành điện quản lý, người dân được hưởng giá điện bậc thang như ở thành phố với giá 550 đồng/kWh ở 100 kWh đầu tiên với chất lượng điện ổn định. Điều này mang lại lợi ích cho phần lớn hộ sử dụng điện vì đại đa số các hộ sử dụng điện là nông dân hoặc sống ở nông thôn, họ chỉ sử dụng ở mức dưới 100kWh/tháng. Chất lượng điện không ngừng tăng lên, công tác an toàn lưới điện được bảo đảm. Ngay sau khi tiếp nhận, ngành điện tiến hành ngay việc sửa chữa nhỏ lưới điện (đầu tư tối thiểu), thay thế các đường dây cũ dẫn điện kém, các công-tơ bị kẹt, bị cháy để bảo đảm vận hành an toàn, nhiều xã đã được Điện lực tỉnh đầu tư lắp đặt thêm các trạm biến áp.
Qua đó, giảm đáng kể các vụ tai nạn điện. Hơn nữa, các hộ dân không còn phải đóng tiền cho việc sửa chữa lưới điện, không phải gánh chịu những phát sinh do thất thoát điện năng và được sử dụng hệ thống lưới điện an toàn, ổn định, chất lượng cao tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương.
Với năng lực, trình độ quản lý chuyên nghiệp đã giảm đáng kể tình trạng thất thoát điện ở các địa phương khoảng trên 10%, góp phần tích cực vào việc thực hiện tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm chi phí đầu tư các nhà máy điện. Bản thân ngành điện cũng có lợi vì nguồn thu ngân sách sẽ tăng do sản lượng điện thương phẩm tăng. Ngoài ra, chênh lệch giá điện khi bán cho các hộ dân so với bán cho các đơn vị trung gian trước đây cũng làm tăng nguồn thu lớn cho ngành (giá bán điện đến các đơn vị trung gian là 390 đồng/kWh nhưng bán tới các hộ dân là 550 đồng/kWh).
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho rằng: Kế hoạch của tỉnh là đến hết năm 2015 sẽ hoàn tất việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý. Để việc tiếp nhận lưới điện đạt hiệu quả cao, ngoài việc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, ngành điện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến tận người dân làm cho người dân hiểu rõ lợi ích của đề án bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý mang lại.
Trong quá trình triển khai, cần chia tách đề án thành nhiều đợt, phân đều cho các huyện, thành phố, có rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục và kiến nghị kịp thời những vấn đề còn bất cập. Như vậy sẽ giúp ngành điện có thời gian để củng cố lưới điện và kinh doanh điện kịp thời, tạo niềm tin và sự ủng hộ của người dân và chính quyền các địa phương.
Đinh Chúc