Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, UBND huyện Kim Sơn.
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản. Chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị đứt gãy, vận chuyển gián đoạn, tiêu thụ khó khăn, giá giảm. Cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU.
Năm 2021, ghi nhận giá nguyên liệu tăng cao kỷ lục. Tình trạng thiếu lao động khai thác khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Theo ước tính của một số cảng cá, trong thời gian giãn cách vừa qua, số lượng hàng qua cảng giảm chỉ bằng 44% so với cùng kỳ.
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn nêu trên, nhưng hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Ước tính tổng sản lượng khai thác thủy sản biển 9 tháng đầu năm vẫn đạt 2,917 triệu tấn. Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%, trong đó xuất khẩu cá biển, bá ngừ và mực bạch tuộc tăng lần lượt là 5%, 13% và 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Ninh Bình, sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng đầu năm đạt 5.338 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó khai thác biển đạt 1.745 tấn, nội địa 3.603 tấn. Riêng đội tàu xa bờ theo Nghị định 67 nghề lưới rê cho sản lượng cá thu, cá ngừ thấp hơn so với cùng kỳ do biến động về ngư trường khai thác, nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các ý kiến tập trung đánh giá những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác khai thác thủy sản hiện nay như các vấn đề về: vốn, lao động, logictic, hạ tầng nghề cá…
Các địa phương, hiệp hội ngành hàng, chủ tàu cá kiến nghị: Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT cần ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch; thực hiện giãn nợ, giảm lãi xuất các khoản vay tín dụng đối với các tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cầu nghề cá; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá (cảng cá, kho lạnh); sắp xếp lại lao động nghề cá; tập trung làm mới sản phẩm xuất khẩu, tăng cường chế biến sâu; hỗ trợ tiền điện cho ngành chế biến thủy sản.
Phát biểu kết luận cuộc họp, sau khi nghe ý kiến thảo luận của các tỉnh, thành và đơn vị liên quan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: Từ nay đến cuối năm, tuy sẽ phải đối mặt với những khó khăn như giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, lao động thiếu hụt cục bộ…, nhưng chúng ta vẫn có nhiều thuận lợi.
Điều kiện thời tiết khá thuận lợi; tàu cá và các trang thiết bị đã được sửa chữa, bổ sung trong thời gian nghỉ phòng chống dịch. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các biện pháp phòng chống dịch tại các cảng, vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm đã được áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tiễn, không làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản tăng mạnh, nhất là các thị trường Trung Quốc, Asean, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu".
Trong điều kiện đó, ngành khai thác thủy sản phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD.
Nguyễn Lựu - Minh Quang