Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan; giám đốc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế thành phố Ninh Bình.
Hiện nay, số người tham gia BHYT toàn tỉnh là trên 813.000 người, đạt tỷ lệ 84,61%; quỹ khám chữa bệnh được giao năm 2017 là 609 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2016.
6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ước có trên 761 nghìn lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, tăng hơn 62 nghìn lượt người; chi khám chữa bệnh của tỉnh ước tính hơn 443 tỷ đồng, tăng 146,5 tỷ đồng, tăng 49% so với 6 tháng đầu năm 2016, đã sử dụng hêt 71% quỹ khám chữa bệnh được giao.
Ninh Bình là một trong 26 tỉnh có số chi khám chữa bệnh cao hơn 60% tổng dự toán cả năm và khó đảm bảo thực hiện dự toán giao. 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có 17/25 cơ sở vượt quỹ khám chữa bệnh.
Việc không cân đối được thu chi quỹ khám chữa bệnh BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn do tăng giá dịch vụ kỹ thuật theo thông tư 37, do thông tuyến huyện nhưng chưa ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả, triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, thay đổi cơ cấu bệnh tật, tần suất khám chữa bệnh tăng cao...
Cùng với đó là việc quản lý, khám chữa bệnh nội, ngoại trú như việc chỉ định một số dịch vụ kỹ thuật, thuốc chưa thực sự cần thiết, việc xây dựng kế hoạch và cung ứng, sử dụng thuốc ở nhiều cơ sở chưa hợp lý, chưa gắn với khả năng chi trả và nguồn thu của quỹ BHYT...
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, thảo luận các giải pháp để giảm mức bội chi Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trong đó đề xuất Liên bộ tài chính-y tế nghiên cứu khoán định mức trần việc sử dụng quỹ cho từng cơ sở khám chữa bệnh; giám sát chặt chẽ việc chuyển tuyến, thông tuyến, việc chỉ định thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh, vật tư y tế tại các cơ sở; có giải pháp đối với người bệnh khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở ở các thời điểm gần nhau; kiểm soát các phòng khám có tham gia BHYT; thực hiện sáp nhập một số cơ sở y tế cùng tuyến; việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh giữa các đơn vị cần thực hiện dứt điểm, không để kéo dài, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đạt hiệu quả hơn trong khám và điều trị bệnh...
Kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bằng nhiều giải pháp, thời gian tới cần hạn chế tình hình bội chi quỹ BHYT. Để làm được điều đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong ngành Y tế và BHXH.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Từng bước giảm vai trò của các đơn vị trung gianbằng việc Sở Y tế phối hợp với ngành BHXH kiểm tra chặt chẽ các điều kiện, tiêu chuẩn của phòng khám đa khoa tư nhân.
Đối với việc giao định mức trần cho các cơ sở y tế, cần nghiên cứu cách làm cụ thể, đúng với quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành Y tế, BHXH trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Nâng cao vai trò của lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trong việc quản lý, thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ kỹ thuật, nâng cao chất lượng xét nghiệm; nghiên cứu danh mục thuốc phù hợp, tăng hiệu quả khám chữa bệnh theo đúng quy định. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư số 37 của liên Bộ y tế, Tài chính..., phấn đấu, trong quý cuối năm 2017 sẽ giảm 10% bội chi Quỹ BHYT so với cùng kỳ năm 2016, hết năm 2018 giảm tiếp ít nhất 10% trở lên chi phí KCB, từng bước giảm dần bội chi BHYT trong các cơ sở y tế.
Mỹ Hạnh-Minh Quang