Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã dành cho Bạc Liêu sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa với tinh thần "Tất cả vì Miền Nam ruột thịt"; theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, lớp lớp thanh niên Ninh Bình đã hăng hái lên đường tòng quân, vào Miền Nam, trong đó có Bạc Liêu chiến đấu chống Mỹ cứu nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tại Ninh Bình đã có nhiều phong trào thi đua được phát động, nhiều khẩu hiệu tuyên truyền để bày tỏ tình đoàn kết và cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng, đồng thời còn xây dựng nhiều công trình mang tên các địa danh của Bạc Liêu…
Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trong điều kiện ban đầu còn bộn bề khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực có trình độ về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế; thực hiện chủ trương của Trung ương, nhiều cán bộ đang công tác ở Ninh Bình và nhiều sinh viên quê hương Ninh Bình sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng,... đã được tăng cường, điều động, phân công vào Bạc Liêu công tác.
Ngoài ra, còn có hàng ngàn người con của quê hương Ninh Bình đã tình nguyện vào Bạc Liêu để xây dựng kinh tế mới.
Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã quan tâm tạo mọi điều kiện để cán bộ và bà con Ninh Bình công tác, học tập, sản xuất, kinh doanh tại Bạc Liêu.
Hiện nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân Ninh Bình đã gắn bó, có cuộc sống ổn định tại Bạc Liêu, thật sự coi Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình; nhiều người trở thành cán bộ, công chức Nhà nước đang công tác tại các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Hầu hết cán bộ, chiến sĩ và người dân Ninh Bình công tác, sinh sống tại Bạc Liêu đã được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực, sở trường trong công tác, sản xuất và cuộc sống ngày càng được nâng cao hơn; trong đó có nhiều đồng chí đang giữ các chức vụ lãnh đạo ở các ngành, các cấp; một số bà con Ninh Bình sản xuất, kinh doanh thành đạt, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu.
Trân trọng sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là những cán bộ được Đảng, Nhà nước tăng cường vào Bạc Liêu công tác, hằng năm cứ vào dịp Tết nguyên đán, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đều tổ chức cuộc họp mặt với các đồng chí cán bộ Miền Bắc tăng cường, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ là người Ninh Bình.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã cử một số đoàn cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ đến Ninh Bình thăm và đi thực tế sáng tác. Trong đó, Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Minh Hải) đã tổ chức chuyến đi lưu diễn phục vụ nhân dân tại tỉnh Ninh Bình. Điều đó nói lên rằng, tình cảm giữa nhân dân Bạc Liêu với nhân dân Ninh Bình đã gắn kết khá chặt chẽ…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, nên việc giao lưu, trao đổi, tổ chức đoàn ra, đoàn vào giữa hai tỉnh từ sau ngày giải phóng đến nay chưa được thường xuyên.
Xuất phát từ tình hình nêu trên, để thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh trong giai đoạn mới, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Ninh Bình thống nhất nguyên tắc, nội dung và một số hoạt động liên kết trong thời gian tới như sau:
I. Mục tiêu
Thông qua một số hoạt động liên kết, hợp tác để tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và nghĩa tình gắn bó trong quá khứ giữa hai địa phương cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai tỉnh, nhất là thế hệ trẻ; củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
II. Nguyên tắc
1. Hai địa phương xác định sẽ liên kết, hợp tác trên một số lĩnh vực mà hai tỉnh có nhu cầu, trên tinh thần bình đẳng, tự nguyện, đôi bên cùng có lợi và theo khả năng, điều kiện của mỗi bên.
2. Bản thỏa thuận này chỉ định hướng một số nội dung hoạt động liên kết cụ thể trước mắt; trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục xác định thêm nội dung nếu hai bên có yêu cầu.
III. Nội dung
1. Thống nhất xây dựng trao tặng nhau một số công trình văn hóa để lưu niệm và ghi lại truyền thống gắn bó giữa hai địa phương tại tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu (Trước mắt sẽ xây dựng tượng đài kết nghĩa).
2. Thống nhất, chọn một số địa danh của tỉnh Ninh Bình để đặt tên cho các công trình văn hóa, công trình phúc lợi công cộng và một số tuyến đường của tỉnh Bạc Liêu và ngược lại, chọn một số địa danh của tỉnh Bạc Liêu để đặt tên cho các công trình văn hóa, công trình phúc lợi công cộng, một số tuyến đường… của tỉnh Ninh Bình.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp của hai tỉnh tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách của nhau.
3. Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các Trung tâm văn hóa, các đoàn nghệ thuật của hai địa phương, nhằm phục vụ và giao lưu văn hóa của nhân dân hai tỉnh. Định kỳ hàng năm có ít nhất một hoạt động phối hợp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhân ngày lễ, kỷ niệm của mỗi tỉnh để phục vụ nhân dân.
4. Tổ chức định kỳ hằng năm và không định kỳ (khi một trong hai tỉnh có nhu cầu) những cuộc trao đổi kinh nghiệm công tác và từng bước hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch.
5. Định kỳ tổ chức cho văn nghệ sĩ hai địa phương đi thực tế sáng tác, dự trại sáng tác và giới thiệu tác phẩm ở các địa bàn của nhau nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước, con người của hai tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình, nhất là giới thiệu về tiềm năng du lịch của mỗi địa phương.
6. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Bạc Liêu và nhân dân Ninh Bình đang sinh sống, làm việc và học tập tại hai địa phương.
7. Trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc và nội dung liên kết giữa 2 tỉnh, các sở, ban, ngành của 2 tỉnh cần liên kết, hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; các huyện, thành phố cần tổ chức kết nghĩa với nhau theo sự hướng dẫn của lãnh đạo 2 tỉnh.
8. Ngoài các nội dung hợp tác cụ thể trên đây, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những lĩnh vực hợp tác cần điều chỉnh, bổ sung thì các sở, ngành, đơn vị liên quan của hai địa phương chủ động bàn bạc, đưa ra nội dung, hình thức hợp tác thích hợp trình lãnh đạo hai địa phương xem xét, quyết định.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Trên cơ sở Bản Ghi nhớ nội dung liên kết giữa hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện trên từng lĩnh vực cụ thể.
2. Hằng năm, tùy theo tình hình cụ thể, hai tỉnh sẽ tổ chức các đoàn (cấp tỉnh hoặc cấp sở, ngành, huyện, thành phố) đến thăm để trao đổi, giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực.
3. Thống nhất phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã (của mỗi tỉnh) trực tiếp chỉ đạo và theo dõi việc triển khai thực hiện các nội dung liên kết trong Bản Ghi nhớ này.
4. Căn cứ vào Bản Ghi nhớ nội dung liên kết này, các sở, ban ngành có liên quan của hai tỉnh có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể và ký kết thực hiện. Định kỳ hàng năm các Sở, ngành báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua hai Văn phòng và Sở Kế hoạch & Đầu tư địa phương mình).
5. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư của hai tỉnh là cơ quan đầu mối phối hợp, tổng hợp báo cáo và đề xuất lãnh đạo của hai địa phương quyết định các chương trình, kế hoạch liên kết, hợp tác cụ thể và cơ chế, giải pháp thực hiện.
6. Hai năm một lần (kể từ ngày Bản Ghi nhớ này được ký kết) vào dịp Lễ hội Cố đô Hoa Lư và vào dịp 30/4 hằng năm, hai địa phương luân phiên tổ chức cuộc họp sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện và thống nhất các nội dung liên kết mới hoặc những nội dung phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung./.