Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, TUV, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, tổ trưởng tổ giúp việc Ban chỉ đạo phong trào thi đua "dân vận khéo" của tỉnh; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh; Thường trực Huyện ủy Gia Viễn.
Đoàn đã thăm 2 mô hình: mô hình "dân vận khéo" vận động nhân dân chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản ở xã Gia Tân và mô hình "dân vận khéo" xã hội hóa đường nội thị vào nghĩa trang vườn Me và đường dân sinh ở thị trấn Me.
Đây là 2 mô hình đã được Ban chỉ đạo phong trào thi đua "dân vận khéo" của xã Gia Tân, thị trấn Me lãnh đạo, chỉ đạo thành lập và có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ để triển khai thực hiện các mô hình.
Đến nay, mô hình "dân vận khéo" vận động nhân dân chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản ở xã Gia Tân đã xây dựng thành công mô hình điểm của gia đình ông Nguyễn Văn Dụng với diện tích 2,5 ha sau khi được dồn, đổi, nhận chuyển nhượng từ các hộ khác đã tập trung nuôi các loại cá nước ngọt cho doanh thu trên 1,9 tỷ đồng năm 2016. Đồng thời, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã lên 42 ha, thu hút 56 trang trại, gia trại, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống.
Đối với mô hình "dân vận khéo" xã hội hóa đường nội thị vào nghĩa trang vườn Me và đường dân sinh ở thị trấn Me, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thị trấn Me đã kêu gọi được người dân, các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, ngày công, phương tiện, hiến đất để hình thành 2 tuyến đường rộng rãi, khang trang, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, thay thế cho các tuyến đường trước kia chỉ rộng hơn 1 mét, đường bê tông nứt vỡ, đường đất lầy lội.
Sau khi khảo sát thực tế các mô hình và làm việc với Ban chỉ đạo phong trào thi đua "dân vận khéo" của 2 địa phương về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình, điển hình 'dân vận khéo" đăng ký xây dựng giai đoạn 2016- 2020, đoàn khảo sát của Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao việc triển khai các mô hình của các Ban chỉ đạo, từ việc lựa chọn nội dung là những việc cần làm ngay, liên quan đến đời sống người dân cho đến việc huy động được sự tham gia của người dân, các đoàn thể. Hiệu quả của các mô hình cần được quan tâm nhân rộng.
Bên cạnh đó, đoàn cũng đề nghị Ban chỉ đạo các xã, thị trấn cần quan tâm tiếp tục quán triệt các văn bản của trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, nhất là "dân vận khéo"; quan tâm kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên; có kế hoạch giúp đỡ, nhân rộng các mô hình "dân vận khéo" ở các lĩnh vực khác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân về ý nghĩa của phong trào thi đua "dân vận khéo"; quan tâm xây dựng các điển hình tiên tiến, đổi mới công tác dân vận chính quyền.
Tin, ảnh: Bùi Diệu