Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, Trưởng đoàn công tác và đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Tống Quang Thìn , TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; Đinh Ngọc Hà,TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy Yên Mô, Yên Khánh; lãnh đạo một số sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày dự thảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo nhấn mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tỷ lệ cán bộ, đảng viên dự học tập đạt 95,6%.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33; tinh thần Nghị quyết 33 được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác toàn khóa.
Kết quả nổi bật trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc được tăng cường.
Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, bố trí cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục cơ bản có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên; trong đó tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn từng cấp học tương ứng là: mầm non 96,5 %; tiểu học 98,4 %; THCS 94,3 %; THPT 23,4 %. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,4 %; số trường đạt chuẩn Quốc gia 91,8 %. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 30 %...
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 88,21 % gia đình văn hóa; 95 % xã, phường có nhà văn hóa; 93,3 % thôn, bản, phố có nhà văn hóa; 76,27 % xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 41,7 % phường, thị trấn được công nhận đạt danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị; có 69,7 % cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa.
Tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu; gắn kết bảo tồn, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ, giữ gìn để Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tỉnh đã quan tâm phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một như hát Xẩm, hát Chèo, hát Văn, hát Rằng Thường...
Bên cạnh đó, đã ban hành được Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33; đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới. Đồng thời góp ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo của tỉnh về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Việc thực hiện Nghị quyết 33 đã góp phần khẳng định, nâng tầm vị thế của Ninh Bình trong nước và trên thế giới; đồng thời góp phần rất lớn, rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, phục vụ phát triển ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch của khu vực đồng bằng sông Hồng, từng bước trở thành trung tâm du lịch của quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, một nội dung rất quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33 đó là cần phải nhấn mạnh và sâu sắc hơn về đạo đức con người Việt Nam, do đó đề nghị cần nói rõ, đề cập phù hợp đến nội dung này trong báo cáo sơ kết Nghị quyết của tỉnh cũng như của Trung ương.
Bên cạnh đó, làm rõ những kết quả thực hiện văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế; đặc biệt cần đề cập đến vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Nghị quyết.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn công tác cảm ơn Tỉnh ủy Ninh Bình đã quan tâm chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn chu đáo; các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc.
Đồng chí cũng đánh giá, Nghị quyết 33 được tỉnh triển khai nghiêm túc, toàn diện; việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, tổ chức thực hiện có sáng tạo, phù hợp với tỉnh Ninh Bình. Trong đó đáng ghi nhận là cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến văn hóa cơ sở...
Từ những kết quả đó, đồng chí Trưởng đoàn công tác đề nghị tỉnh đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn để xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết trong thời gian tiếp theo thật hiệu quả. Trong đó, quan tâm đầu tư cho con người; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến giáo dục, trong đó mầm non là nền tảng.
Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục lòng tự hào dân tộc bắt đầu từ những công việc cụ thể, con người cụ thể. Đồng thời quan tâm xây dựng thiết chế, chuẩn mực ứng xử cho phù hợp trong điều kiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đang được đẩy mạnh...
Về dự thảo báo cáo của tỉnh, đồng chí Trưởng đoàn công tác đề nghị hoàn thiện báo cáo, trong đó cần rút ra được bài học kinh nghiệm; cần có phụ lục số liệu để báo cáo có sức thuyết phục cao hơn.
Xuân Trường - Minh Quang