Các sở: KH&ĐT, NN&PTNT, Tài Chính, GT&VT, Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh; lãnh đạo các huyện, TP; Nhà máy xi măng Xuân Thành, The Vissai, Duyên Hà, Tam Điệp, Hệ Dưỡng, Hướng Dương; các xã đăng ký về đích NTM năm 2016... dự hội nghị.
Báo cáo của Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh cho biết: Đến hết năm 2015 toàn tỉnh đã tiếp nhận 132.807 tấn xi măng; trong đó: Yên Mô 14.220 tấn, Gia Viễn 18.129 tấn, Kim Sơn 22.622 tấn, Nho Quan 28.220, Yên Khánh 33.598 tấn, Hoa Lư 13.635 tấn, Tam Điệp 2.392 tấn.
Toàn tỉnh đã làm được 9.000 tuyến đường với chiều dài gần 1.000 km. Bình quân đầu tư 520 triệu đồng/km, tỷ lệ giá trị nhân dân đóng góp 62%; bình quân lượng xi măng hỗ trợ 130 tấn/km...
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến, nhất là ở các xã dự kiến về đích trong năm 2016 và các nhà máy xi măng. Các ý kiến đều thống nhất cao với báo cáo; một số ý kiến tập trung vào cơ chế cung ứng xi măng của các nhà máy, giá xi măng khi trả tiền ngay và trả chậm.
Việc cung ứng xi măng cho các địa phương nên để cho các đại lý cấp 1 của nhà máy ở các địa bàn thực hiện vì ở đó các đại lý sẽ đảm bảo được tính kịp thời khi các địa phương, thậm trí thôn, xóm, cụm dân cư yêu cầu.
Các địa phương cần có cần làm việc cụ thể với các nhà máy, đại lý có kế hoạch cụ thể về số lượng, thời gian, địa điểm để các đại lý, nhà máy chủ động cung ứng theo yêu cầu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Tỉnh ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, nhân dân cũng như các nhà máy xi măng đóng trên địa bàn đã chia sẻ, đồng hành cùng Chương trình XDNTM.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại bất cập như việc cung ứng xi măng có lúc, có nơi chưa kịp thời; giá cả chưa thống nhất...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới: Tỉnh sẽ chỉ đạo văn phòng điều phối làm việc cụ thể với các nhà máy xi măng về số lượng, giá cả, thời gian mà nhà máy có thể đáp ứng. UBND các huyện có hợp đồng về nguyên tắc với các nhà máy; UBND các xã có kế hoạch cụ thể, chi tiết và trực tiếp ký hợp đồng cung ứng, thanh toán với các đại lý cấp 1 của nhà máy tại địa bàn để có thể cung ứng nhanh, đủ, kịp thời khi cần.
Tỉnh cấp kinh phí ngân sách trực tiếp cho các xã. Các sở, ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu, về kế hoạch, định mức, mức hỗ trợ cho từng loại đường và phối hợp chặt chẽ để tránh chồng chéo, lãng phí khi thực hiện các công trình.
Đinh Chúc-Anh Tuấn