Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh; lãnh đạo một số ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới.
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát lại công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.
Với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, việc tổ chức các Phiên họp của Ban chỉ đạo phải được triển khai kết nối trực tuyến tới cấp xã nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho cấp xã - nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp.
Đối với Phiên họp thứ 5 của Ban chỉ đạo, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính nói chung, đặc biệt là những vấn đề nổi lên, những vấn đề người dân quan tâm, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới trong công tác cải cách hành chính, khơi thông "điểm nghẽn", huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay…
Tiếp đó, hội nghị đã nghe báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban chỉ đạo.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính.
Ban chỉ đạo đã tổ chức 2 phiên họp do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023.
Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo thống kê, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 178 văn bản, các địa phương đã ban hành 2.054 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Các bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ.
Tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các bộ, ngành đã tổng hợp được 496 văn bản quy phạm pháp luật cần phải xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực). Tại địa phương, có 241 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 1.722 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an; các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 18 văn bản QPPL để cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.
Đã có 10/22 bộ, cơ quan ngang bộban hành các quyết định công bố danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, với 356 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và 397 TTHC nội bộ thực hiện trong bộ, cơ quan ngang bộ; có 8/63 địa phương đã ban hành các quyết định công bố danh mục TTHC nội bộ, trong đó, địa phương có số lượng TTHC nội bộ thấp nhất là 50 TTHC, cao nhất là 120 TTHC.
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung phiên họp; đồng thời khẳng định các đại biểu đã có các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chia sẻ cách làm hay, bài học quý trong cải cách hành chính thời gian qua.
Nhấn mạnh thêm một số kết quả nổi bật đạt được cũng như chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, bám sát tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính.
Khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của mình, thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và cắt giảm các TTHC không cần thiết; thực hiện tham vấn chính sách, tương tác nhiều hơn với doanh nghiệp và người dân, các chuyên gia, các nhà khoa học để khi ban hành một chính sách thì đi thẳng vào cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng, tạo sinh kế cho người dân.
Rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ.
Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát về công vụ các cấp trong thực hiện quy định, chính sách của Nhà nước đã ban hành.
Tổ chức triển khai quán triệt tinh thần hội nghị hôm nay đến tận cơ sở; rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Tiếp tục tăng cường đổi mới công tác đối thoại, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả các quy định mới của Chính phủ về cải cách hành chính; triển khai thực hiện tốt Luật Giao dịch điện tử…
Hồng Giang - Thái Học