Theo thống kê chưa đầy đủ, Bắc Ninh hiện có hơn 540 lễ hội ở các thôn làng diễn ra trong năm. Vì thế, người ta thường gọi Bắc Ninh là vương quốc của lễ hội truyền thống ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu diễn ra trong dịp đầu xuân như lễ hội chùa Phật Tích, hội rước pháo làng Đồng Kỵ, hội Lim, hội Đền Đô, hội làng Diềm, hội chùa Bút Tháp, hội chùa Hàm Long…Mùa hè, du khách lại nô nức đến với hội Dâu, hội đền Văn Mẫu, hội thờ Thánh Tam Giang ở các làng nằm dọc theo đôi bờ sông Cầu…Mùa thu lại có hội đền Phả Lại, hội các đền thờ Đức Thánh Trần, hội hát trống quân ở các làng quê vùng Thuận Thành. Mùa đông, du khách có thể đến làng Đạo Tú (Quế Võ) tìm hiểu về hội thi làm bánh dày và nhiều tục lệ đình đám khác. Tuy các lễ hội truyền thống của Bắc Ninh diễn ra quanh năm nhưng có tới trên 400 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân. Hội rước pháo Đồng Kỵ được mở vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch. Trước đây khi chưa có chỉ thị nghiêm cấm buôn bán và đốt pháo, các gia đình, họ tộc trong làng thi nhau làm pháo với những công thức bí mật để tranh giải. Nhà nào cũng muốn pháo của mình được giải và được chọn rước trong ngày hội. Ngày nay, hội vẫn có lệ rước pháo thờ làm bằng gỗ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác. Hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), có từ thời Lý, hàng năm được nhiều du khách tìm đến trong dịp đầu xuân không chỉ với lý do nơi đây là một danh lam thắng cảnh, một trung tâm Phật giáo lớn mà còn có cơ hội ngắm hoa mẫu đơn và nghe kể về truyền thuyết "Từ Thức gặp Tiên." Lễ hội ngắm hoa mẫu đơn của chùa này từ lâu vẫn được duy trì với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian độc đáo. Người ta nói rằng nếu chưa đến hội Lim, chưa nghe câu quan họ "người ơi, người ở đừng về" thì vẫn chưa hiểu gì về vùng quê Kinh Bắc thơ mộng này. Điều này không hề sai bởi hội được coi là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian tiêu biểu nhất của Bắc Ninh có sự hấp dẫn đặc biệt đối với nhân dân trong nước và du khách nước ngoài. Hội Lim có tổ chức sinh hoạt ca hát quan họ giao duyên, nhiều trò chơi dân gian truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Đến hội Lim, được nhìn những liền anh, liền chị xúng xính trong tà áo mớ ba mớ bẩy và áo the khăn xếp hát câu quan họ " ngồi tựa mạn thuyền", tham gia những trò chơi truyền thống hấp dẫn và phong phú như đánh vật, chọi gà, đánh đu, đập niêu, cờ người, thi nấu cơm, dệt vải… du khách thực sự được dắm mình trong bản sắc của văn hóa dân tộc và mỗi lần đến với hội Lim, họ sẽ nôn nao chờ đợi năm sau " đến hẹn lại lên." Có tiềm năng và bề dày về văn hóa văn minh, Bắc Ninh luôn chú trọng việc phục hồi, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống một cách có chọn lọc, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và khai thác tiềm năng để phát triển ngành du lịch. Các lễ hội có xu hướng duy trì những hình thức sinh hoạt lễ hội truyền thống kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách thập phương. Hội Lim ngoài các cuộc thi hát quan họ đầu Xuân, phục dựng các trò vui dân gian như cờ nguời, đánh vật, tổ tôm điếm, dệt vải, nấu cơm, đánh đu, đập niêu đất…còn tổ chức thêm các cuộc thi người đẹp quan họ, hội trại các làng quan họ…Hội chùa Phật Tích không chỉ được coi là dịp hành hương của các tín đồ phật tử mà còn là dịp tham quan, vãn cảnh, vui chơi gặp gỡ tại nơi du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Bắc Ninh hiện nay và tương lai. Để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa nói chung và các lễ hội truyền thống nói riêng, mới đây, Bắc Ninh đã thành lập Hội Di sản văn hóa và xúc tiến ngay nhiều giải pháp, nghiên cứu, gìn giữ, khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, khôi phục làng tranh Đông Hồ, khôi phục các loại hình hát ca trù, múa rối nước, chèo Chải Hê... phục vụ nhiều mặt cho sinh hoạt lễ hội vừa mang tính đa dạng phong phú vừa hướng tới những giá trị về văn hóa văn minh mang bản sắc dân tộc. Theo TTXVN/Vietnam+