Cách đây 59 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh phong trào đoàn kết và ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh chống giặc Mỹ, ngày 23/1/1960, Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ kết nghĩa 2 tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu và phát động phong trào thi đua lao động, học tập, công tác và chiến đấu với chủ đề "Vì miền Nam ruột thịt". "Bạc Liêu kết nghĩa Ninh Bình/Keo sơn, gắn bó, nghĩa tình Bắc - Nam" - từ đó, Bạc Liêu và Ninh Bình trở thành biểu tượng đẹp của tình anh em Bắc - Nam liền một dải. Sự gắn kết keo sơn ấy không chỉ được minh chứng qua chiều dài lịch sử mà còn kết tinh vững bền qua bao thế hệ, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
ở thành phố Bạc Liêu và nhiều huyện, thị của tỉnh Bạc Liêu hôm nay, nhiều công trình với những con đường, cây cầu, trường học... đã được đặt tên theo các địa danh của tỉnh Ninh Bình, như Tràng An, Hoa Lư, Gia Viễn… góp phần gắn kết tình anh em hai miền Nam - Bắc. Nổi bật trong đó là tại Quảng trường Hùng Vương, Quảng trường lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tại phường 1 (thành phố Bạc Liêu) có một công trình mang tên "Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình". Đó là một biểu tượng có hồ nước rộng 176m2 với 3 vòm cong trên hồ liên kết với nhau tượng trưng cho sự trùng trùng điệp điệp, hùng vĩ của thiên nhiên Ninh Bình, hòa quyện với những ruộng muối đặc trưng của Bạc Liêu. Bên cạnh đó còn có 3 khối đá được lấy từ Ninh Bình, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa 2 tỉnh kết nghĩa ở hai Đồng bằng của hai đầu đất nước. Quảng trường Hùng Vương bề thế với những công trình mang đậm phong cách Bạc Liêu: Cây đờn kìm cách điệu to lớn uy nghi giữa trung tâm quảng trường như muốn "khẳng định" với người nhìn ngắm rằng đây là một trong những vùng đất đầu tiên của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Cùng với đó, con đường mang tên Ninh Bình tại thành phố Bạc Liêu là một tuyến đường lớn rộng 24m, dài trên 1km ở phường 2, thành phố Bạc Liêu. Con đường rộng lớn, thông thoáng, đẹp mắt, nối từ đường Nguyễn Thị Minh Khai với đường Cao Văn Lầu với những hàng cây bằng lăng 2 bên đường nở tím vào mùa hè. Trên đường Ninh Bình có rất nhiều quán cà phê, nhà hàng ăn uống phục vụ nhu cầu vui chơi, thư giãn của người dân. Đặc biệt, trên tuyến đường này có Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - là điểm thăm quan, du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời, cũng tại phường 2 (TP Bạc Liêu) có một cây cầu dây văng bắc qua kênh 30/4 mang tên cầu Tràng An. Với địa danh Tràng An như nhắc người ta nhớ đến thắng cảnh nổi tiếng của đất Ninh Bình. Ngoài ra còn có một số cây cầu khác mang tên địa danh Ninh Bình như cầu Gia Viễn, cầu Trường Yên… tại các huyện của tỉnh Bạc Liêu.
Đi trên những con đường, thăm những ngôi trường của tỉnh Bạc Liêu đã được đổi tên, mang tên địa danh Ninh Bình, như Trường THCS phường 2 đổi thành Trường THCS Bạc Liêu- Ninh Bình; Trường Tiểu học thị trấn Châu Hưng đổi thành Trường Tiểu học Hoa Lư… nhận thấy "có một Ninh Bình ở Bạc Liêu", làm cho những người con quê hương hai tỉnh cũng như những du khách phương xa cảm thấy hai địa phương, hai miền đất nước như gần hơn. Khách phương xa khi tìm đến Bạc Liêu sẽ được thấy, được nghe những câu chuyện xúc động, có ý nghĩa sau mấy chục năm kết nghĩa của 2 vùng đất này.
Theo nhận xét của nhiều người, tuy không được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh quan kỳ vĩ, nhưng Bạc Liêu biết phát huy thế mạnh mở cửa đón những nhà đầu tư về hiến kế, góp trí và tài để nền kinh tế và du lịch Bạc Liêu ngày càng phát triển… Điều thú vị ở Bạc Liêu là "cánh đồng điện gió" ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu). Từ xa xa đã thấy thấp thoáng những cây trụ trắng tinh, với những cánh quạt miệt mài quay, tựa như chong chóng. Để ra được tận "những chiếc chong chóng" này, phải qua hệ thống cầu dẫn nối dài ra biển trong làn gió biển mát rượi. Những trụ điện gió sừng sững vài người ôm không xuể, cao hơn 80m, được chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia từ năm 2013.
Là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Bạc Liêu, nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3 (thành phố Bạc Liêu). Với thiết kế theo phong cách người Pháp và vật liệu chuyển từ Pháp qua, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ 20. Du khách khi đến đây, ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, còn được nghe về cuộc đời "dân chơi" của chàng công tử giàu nhất miền Nam thời bấy giờ. Tại đây, nhiều hiện vật của gia đình "Công tử Bạc Liêu" từng sử dụng như bàn, ghế, giường, tủ, một số đồ sứ… được sưu tầm và đưa về trưng bày. Ngôi nhà như là bảo tàng để khách tham quan tận mắt xem những hình ảnh, hiện vật của một gia đình từng giàu có nức tiếng khắp miền Nam..
Lần đầu đặt chân đến Bạc Liêu, dù thời gian không nhiều, nhưng Đoàn chúng tôi đã được đến những địa danh đẹp nhất, ăn những món ăn ngon nhất và nghe bản "Dạ cổ hoài lang" chuẩn nhất. Những điều này đã thật sự mang lại cho chúng tôi những điều vô cùng đặc sắc và thú vị. Đó chính là cái nghĩa, cái tình mà người Bạc Liêu gửi gắm cho anh em quê hương kết nghĩa khi đến vùng đất này. Điều này thể hiện trong từng câu hát ngọt ngào, để khi rời xa, chúng tôi luôn thương và nhớ về mảnh đất này, như lời bài hát "Bạc Liêu hoài cổ" của tác giả Thanh Sơn:
"... Bạc Liêu giấc mơ tình yêu
Dân gian ca rằng: "Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu"
... Cho nhắn gởi Bạc Liêu mấy lời
Sông có cạn tình không đổi dời
Dù đi xa trăm hướng
Ai người thấu nỗi hoài hương
Bạc Liêu thương quá hình bóng quê nhà ..."
Mỹ Hạnh