Xây nền tảng, gọi ngoại lựcKhi tái lập tỉnh lần thứ 2 - năm 1997, Bạc Liêu vẫn là một tỉnh thuần nông nghèo. Ngày "ra riêng", Bạc Liêu gần như ở vị trí "xuất phát" trên mọi phương diện. Con đường đẹp nhất Bạc Liêu ngày ấy là đường Trần Phú được trải nhựa khoảng vài cây số. Người dân thị xã Bạc Liêu vẫn nhớ như in những con đường đất đỏ, đường đổ đá long chong, sình bùn… tồn tại khá lâu trong nội ô thị xã. Giao thông nông thôn lẫn đô thị rất khó khăn, huống chi là hạ tầng kiến trúc…
Bước khởi đầu, Bạc Liêu dồn sức cho nông thôn, nông nghiệp để làm nền tảng dài lâu. Tiếp theo đó, tỉnh đã lấy lĩnh vực giao thông làm khâu đột phá. Từ đó, dần dần giao thông từ nông thôn đến thành thị đã có những bước phát triển, có thể sẵn sàng mời gọi, đón chào các nhà đầu tư khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.
Từ một vị thế bất lợi về nhiều mặt, trong khi nội lực chưa mạnh, tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ, thì việc sử dụng "ngoại lực" để tạo đà phát triển là điều Bạc Liêu luôn chú trọng. Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều luôn xác định, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu cũng có nghĩa là mang đến nguồn vốn góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần tích cực cho an sinh xã hội. Chính tư duy nhạy bén về kinh tế, kiến thức, thông tin thị trường do nhà đầu tư mang đến là giá trị rất lớn đối với lãnh đạo địa phương.
Để khơi thông các chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp như: cải cách hành chính, liên thông một cửa, kiện toàn bộ máy cán bộ, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia phối hợp thẩm định dự án… Theo đó, tạo hệ thống đầu mối một cửa minh bạch và rút gọn từ lĩnh vực xúc tiến, đầu tư, tạo môi trường tốt và cởi mở đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Vươn cao những công trình
Với phương châm "Tất cả các nhà đầu tư vào Bạc Liêu đều là công dân Bạc Liêu. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của địa phương", đồng thời, với sự nỗ lực cùng nhiều giải pháp trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư đã giúp Bạc Liêu "mời gọi" được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 17.045 tỷ đồng và 61,7 triệu USD, trong đó có 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 61,7 triệu USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bạc Liêu năm 2013 xếp thứ 14/64 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu top khá.
Chỉ cách đây vài năm, ít ai có thể hình dung Bạc Liêu có một nhà máy điện gió lớn nhất nhì Việt Nam. Và dự án này cũng đang tiếp tục đầu tư giai đoạn II (52 trụ tua-bin, công suất 83,2MW). Tại một huyện vùng sâu của tỉnh như Đông Hải cũng đang bắt đầu đưa vào sử dụng Cảng cá Gành Hào giai đoạn I, sản lượng qua cảng 54.000 tấn/năm, số lượng tàu ra vào cảng 170 lượt/ngày. Còn Nhà máy bia Sài Gòn - Bạc Liêu đã hoàn thành việc nâng công suất lên 50 triệu lít/năm. Vùng ngọt Hồng Dân cũng đang vui mừng với sự ra đời của Nhà máy xay xát gạo xuất khẩu 200 ngàn tấn/năm. Rồi cứ thế, các trung tâm thương mại, siêu thị liên tục mọc lên ở TP. Bạc Liêu lẫn các huyện. Quá trình đô thị hóa bằng nhiều dự án xây dựng đô thị mới nhanh chóng được mở rộng.
Bạc Liêu đã đột phá từ sự góp phần không nhỏ của ngoại lực để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL. Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: "Bạc Liêu với tinh thần cầu thị, chân thành, đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh; xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là ân nhân của chính quyền và nhân dân Bạc Liêu trong hội nhập phát triển kinh tế, an sinh xã hội… Vì vậy, Bạc Liêu sẽ nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư minh bạch nhằm tạo thuận lợi để nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu".
P.V