Từ cuối tháng 6, viza vào Bắc Kinh đã bị hạn chế rất nhiều, và từ ngày 20/7 đến hết tháng 9/2008, chỉ du khách nào có vé tham dự Olympic mới được vào Bắc Kinh. Cô hướng dẫn viên lại dặn khách, đến Bắc Kinh thì phải cố mà đến tham quan và đem về "bốn chữ khí": hùng khí là Vạn Lý Trường Thành, bá khí - quyền lực là Tử Cấm Thành, tài khí là con kỳ hươu, phúc khí là đến ngắm chữ "Phúc" mà Hòa Thân đã lấy trộm của vua Càn Long đem về gắn trên phủ nhà mình.
Ngày 2/7. Mới sáng tinh mơ mà nắng đã chói chang. Được cái, nắng mà không có mồ hôi, giống như ở Sài Gòn. Nắng thì mặc nắng, người lớn, trẻ con ngồi xe nôi, lũ lượt từng đoàn khách, nội địa có, nước ngoài có, châu Âu, châu Mỹ, Hồi giáo… thôi thì đủ các loại. Khách du lịch tràn ngập quảng trường Thiên An Môn - quảng trường lớn nhất thế giới với diện tích hơn 400ha.
Mỗi năm có hơn ba triệu khách nước ngoài và gần ba chục triệu khách du lịch nội địa đến Bắc Kinh. Người Trung Quốc vốn thích du lịch. 40% thu nhập của Bắc Kinh là từ du lịch. Ấn tượng đầu tiên ở đây là sự sạch sẽ và quy củ. Các ngả đường trên quảng trường đầy các trạm gác và xe cảnh sát. Ở trạm gác gần Tử Cấm Thành, một vài người đeo ba lô, xách túi du lịch được yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Cảnh sát Trung Quốc làm việc cần mẫn, chuyên nghiệp và lịch sự.
Ở cửa khẩu Hữu Nghị Quan, hành lý trước khi qua máy soi còn được kiểm tra kỹ bằng tay. Còn ở chặng bay nội địa Nam Ninh - Bắc Kinh, hành khách phải tháo giày cho qua máy soi. Mấy chai nước cho vào vali, gửi đi rồi mà còn bị chặn lại, phải mở vali để họ kiểm tra xem có thuốc nổ dạng lỏng hay không. Nhà ga, sân bay, các điểm du lịch đều phải cho túi xách qua máy soi… Thế mới thấy người Trung Quốc cẩn thận và nghiêm ngặt đề phòng khủng bố.
Ngay từ Hà Nội, chúng tôi đã được biết, trung tâm Bắc Kinh sẽ thuộc khu vực hạn chế bay trong thời gian Olympic. Một lực lượng bảo vệ trên 100.000 người - bao gồm Đội Đột kích "Sói tuyết" - đã bắt đầu triển khai bảo vệ Olympic và chú trọng đối phó với các phần tử vũ trang khủng bố.
Băng qua quảng trường, rồi chiếc cầu nhỏ bắc qua sông hộ thành Kim Thủy, qua hai trạm gác và máy soi nữa, chúng tôi tới Ngọ Môn, Thái Hòa Môn, rồi tới Trung Hòa Môn, Bảo Hòa Môn.
Cô hướng dẫn viên đặt câu hỏi: Tại sao các con đường, các cổng phía ngoài Tử Cấm Thành lại có chữ An (ví dụ: Thiên An Môn, đường Trường An…), còn các cửa bên trong có chữ Hòa? Là vì trong có Hòa, thì ngoài mới An. Tử Cấm Thành (mà người Trung Quốc thường gọi là Cố Cung) thật nguy nga, tráng lệ. Được trùng tu chuẩn bị đón Olympic từ đầu năm 2006, những nét vẽ, màu sơn như được giữ vẹn nguyên từ một thế kỷ trước, khi vị "Hoàng đế cuối cùng" của nhà Thanh - và cũng là của chế độ phong kiến Trung Hoa - rời ngai vàng…
Cố Cung có tất cả 9999,5 gian phòng, mỗi ngày ở một phòng thì phải 27 năm mới ở hết được. Nhưng tại sao lại không xây tròn một vạn gian phòng? Bởi vì vua là con trời, con thì phải kém cha, không thể là 10.000 gian như trên Thiên giới được! Nếu trèo lên tầng cao nhất của Điện Thái Hòa mà nhìn xuống những cung điện lợp ngói lưu ly dưới nắng hè, ta sẽ cảm thấy hết sự kỳ vĩ của hàng trăm mái ngói cổ như được dát vàng, dát bạc.
Trong Cố Cung, tường thành cao 10 mét, sân điện lát gạch sâu 10 mét để tránh kẻ đột nhập nhảy từ trên xuống và đào hầm, chui từ dưới đất lên ám hại vua. Trong cung không có cây cối (trừ khu vực Vườn Thượng Uyển phía sau), mục đích cũng là để bảo đảm an ninh. Một cậu bé trong đoàn chúng tôi nói với mẹ: "Ở đây đẹp nhưng nóng lắm, lại bị canh gác cẩn mật, làm vua mà phải ở trong cái lồng vàng như thế này, chẳng thích đâu mẹ ạ!". Cậu bé chưa biết được rằng, để có được quyền lực trong cái "lồng vàng" ấy, để được vinh hoa phú quý, Từ Hy Thái Hậu đã gián tiếp và trực tiếp hại chết mấy người con của mình. Dân gian có câu "hổ dữ không ăn thịt con" - vậy mà bà Thái Hậu này xem chừng ác độc hơn hổ dữ.
Buổi chiều, chúng tôi tới Di Hòa Viên - một trong những công viên với Cung điện Mùa hè đẹp nhất thế giới. Được xây dựng từ thế kỷ XII, nhưng năm 1860, nó đã bị Liên quân tám nước đốt phá. 28 năm sau, Từ Hy Thái Hậu đã lấy năm triệu lạng bạc, vốn định dành đầu tư cho ngành hải quân chống ngoại bang, để xây dựng tu sửa lại khu vườn này.
Ngay trước Điện Nhân Thọ - nơi Từ Hy điều hành triều chính - có tượng kỳ lân cao mấy mét: với biểu tượng kỳ lân, Thái Hậu muốn chứng tỏ rằng, việc gì bà ta làm cũng chính trực cả! Vậy mà chỉ mấy chục bước phía sau, ở Ngọc Lan Đường, du khách được tận mắt thấy nơi Từ Hy giam lỏng vua Quang Tự suốt 10 năm liền, từ sự kiện Mậu Tuất chính biến năm 1898. Bà không muốn Quang Tự ủng hộ xu hướng cải cách duy tân đất nước, ủng hộ "biến pháp" của Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu… Chẳng qua cũng là để bà duy trì địa vị và quyền lợi của mình. Trước khi mất vài ngày, Từ Hy đã sai đầu độc Quang Tự, để ông không có cơ hội thực thi "biến pháp". Dân gian truyền lại rằng, Quang Tự chính là đứa con rơi của bà ta với một người hầu bàn trẻ.
Ngoi lên bằng sắc đẹp và trí thông minh, Từ Hy không từ bỏ một thủ đoạn nào để bảo vệ quyền lực, và song hành với nó là cuộc sống ăn chơi trác táng của mình. Đi qua Lạc Thọ Đường - nơi ở và hưởng lạc của Từ Hy, cô hướng dẫn viên kể cho chúng tôi rằng, đây là nơi đầu tiên có điện của Trung Quốc. Mỗi ngày, Từ Hy đều ngâm mình trong bồn tắm sữa người để dưỡng da. Mỗi bữa ăn của bà có ba bàn - để ngửi, để nhìn và để ăn; giá trị của mỗi bữa ăn đủ nuôi sống một nông dân trong một năm.
Đi qua Trường Lan Lang - hành lang gỗ dài nhất thế giới (728m) với mười mấy nghìn bức vẽ mô tả lại những điển tích nổi tiếng của Trung Quốc, ngắm một bên là hồ Côn Minh mơ màng trong sương chiều bảng lảng, một bên là núi Vạn Thọ sừng sững uy nghi - mới thấu hiểu tại sao Từ Hy lại ham quyền lực đến thế. Quyền gắn liền với lợi, với khả năng vét cạn ngân khố quốc gia để phục vụ ý thích xây dựng một bồng lai tiên cảnh cho mình. Chẳng thế, mà Hòa Thân đã phải dùng đủ mọi mánh lới chiều chuộng vua Càn Long để gom hết vàng bạc, của quý trong thiên hạ về phủ của ông ta.
Người Trung Quốc nói rằng: "Cái gì Càn Long có, thì Hòa Thân cũng có. Cái gì Hòa Thân có, chưa chắc Càn Long đã có". Sau khi Hòa Thân qua đời, kiểm tra tài sản của ông ta thì số tiền thu được bằng 12 năm quốc khố của Trung Quốc thời bấy giờ. Nếu tính cả số tiền ông ta đã tiêu xài, ban phát cho người thân, con số đó không dưới 20 năm tổng thu nhập quốc khố, cũng là con số trùng hợp với 20 năm làm quan của Hòa Thân.
Lịch sử đã ghi lại rằng, sau cái chết của Hòa Thân, ảnh hưởng của việc tham nhũng vẫn lan rộng trong cả nước. Nếu cái chết của Hòa Thân đánh dấu thời điểm khởi đầu sự suy tàn của triều Mãn Thanh, thì cái chết của Từ Hy báo hiệu sự diệt vong của triều đại này và của cả mấy nghìn năm phong kiến Trung Hoa.
Theo hành trình du lịch,chúng tôi dậy sớm đi 80km để tới khu Xương Bình, nơi có Vạn Lý Trường Thành và Thập Tam Lăng. Bắc Kinh buổi sáng hay bị tắc đường, có khi tắc đến 10km. Với khoảng 16 triệu dân và trên 4 triệu ôtô, điều này là dễ hiểu, dù đường sá Bắc Kinh rộng rãi và hiện đại không kém gì các thành phố lớn trên thế giới. Để tránh tắc đường, buổi sáng Bắc Kinh chia ra ba loại giờ: 6h30' - giờ học sinh đi học, 7h - cán bộ nhà nước và 8h là các công ty tư nhân đi làm. Trong những ngày Olympic, thì xe ôtô số chẵn sẽ đi ngày chẵn, xe số lẻ sẽ đi ngày lẻ, để hạn chế tắc đường.
|
Sân vận động Olympic ở Bắc Kinh hình tổ chim. |
Sẽ có 5.000 tình nguyện viên từ mỗi thành phố của Trung Quốc được cử đến phục vụ Thế vận hội. Phải có vé dự Olympic mới được đặt phòng khách sạn. Người ta ước tính, giá thuê xe ôtô du lịch, đặt ăn ở nhà hàng và giá khách sạn sẽ tăng từ vài lần đến cả chục lần. Cái khách sạn ba sao ở vành đai ba, nơi chúng tôi ở, giá sẽ tăng từ 300 tệ lên đến trên 1.000 tệ/ngày (khoảng 3 triệu đồng Việt Nam).
Không chỉ bỏ tiền ra trùng tu các công trình văn hóa lớn như Cố Cung, Di Hòa Viên, Thập Tam Lăng..., ngay từ năm 2005, Nhà nước đã bỏ ra 10% chi phí, hỗ trợ sửa chữa, làm đẹp các cửa hàng, căn nhà ở những trục phố chính của Bắc Kinh. Những ngày đầu tháng 7 này, Di Hòa Viên, Thập Tam Lăng vẫn đang hoàn thành nốt việc sửa chữa của mình. Sân vận động Olympic nằm ở đường Tinh thần, thuộc vành đai số bốn ở phía Bắc Bắc Kinh, cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Nó giống như một cái tổ chim khổng lồ bằng sắt, trong khi tòa nhà Ban tổ chức Thế vận hội lại giống hình một ngọn đuốc khổng lồ.
Rời Bắc Kinh, chúng tôi tới Thượng Hải. Khu vực phố cổ tràn ngập các món quà có biểu tượng Olympic: từ dây đeo chìa khóa 15 - 20 tệ đến cái áo phông giá 1-200 tệ… Cũng chẳng khác gì ở Vạn Lý Trường Thành: ngay cả chai nước tinh khiết cũng có hình các vận động viên Olympic in nổi trên vỏ nhựa. Thượng Hải - nơi đăng cai môn bóng đá trong kỳ Thế vận hội - rực rỡ ánh đèn trên khắp các tòa nhà cao ốc.
Ngoài việc tu sửa sân vận động lớn nhất - 8 vạn chỗ ngồi, sửa chữa các khách sạn 5 sao dành cho Olympic và đào tạo lại đội ngũ nhân viên phục vụ..., Thượng Hải khôi phục lại từ đầu tháng 6 việc thắp sáng suốt đêm các tòa nhà hai bên sông Hoàng Phố. Mỗi đêm, thành phố với 6 người giàu nhất Trung Quốc này đã bỏ ra 600.000 tệ tiền điện, để duy trì vẻ đẹp lộng lẫy có một không hai của sông Hoàng Phố, với các chuyến du thuyền ban đêm đầy vẻ lãng mạn, trữ tình.
Ngắm Thượng Hải đêm, với những dòng chữ điện tử nhấp nháy "Chung một thế giới, chung một ước mơ" trên rất nhiều tòa nhà cao dăm bảy chục tầng, tôi cứ đoán mãi, không biết đâu là khu chung cư đắt nhất Thượng Hải với giá 500 triệu đồng/m2. Nơi ấy có diễn viên nổi tiếng Triệu Vy trong phim "Hoàn Châu Cách Cách"…
Người Trung Quốc thật tài tình khi dùng cả quá khứ trên 5.000 năm của mình và cả những cơ sở vật chất hiện đại để đón chào Olympic 2008, đón chào du khách đến du lịch Trung Hoa. Tin tưởng rằng, ba ý tưởng chủ đạo của Olympic Bắc Kinh - là Olympic khoa học kỹ thuật, Olympic xanh và nhân văn - nhất định sẽ thành hiện thực. Đặc biệt, với nền văn hóa rực rỡ của mình, ý tưởng nhân văn - linh hồn của Olympic Bắc Kinh 2008 - sẽ thành công vang dội, sẽ thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác giữa phương Đông và phương Tây, vì sự phát triển hài hòa giữa con người với thiên nhiên và xã hội, vì Một thế giới với chung Một ước mơ -Hòa bình, Hữu nghị và Phát triển.
Theo ANTGcuoithang