Theo đó, Anh đã đồng ý chi thêm 50 triệu euro theo đề nghị của Pháp để tăng cường an ninh ở Calais, miền bắc Pháp, giáp với Anh, nơi có nhiều người nhập cư bất hợp pháp hy vọng vượt qua eo biển Manche để sang Anh.
Kinh phí bổ sung sẽ được sử dụng để xây dựng rào chắn và lắp đặt thêm camera giám sát tại Calais và giải tỏa, đưa người tị nạn từ Calais đến các nơi khác ở Pháp...
Như vậy, tổng số tiền mà Anh chi vào việc bảo đảm an ninh tại Calais trong vài năm gần đây lên tới hơn 170 triệu euro.
Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng, Hiệp ước Sandhurst ký ngày hôm nay là hiệp ước chung đầu tiên về biên giới Calais trong vòng 15 năm qua "cho phép chúng ta cải thiện mối quan hệ và quản lý biên giới chung" và giảm thời gian giải quyết những người di cư. Ông Macron cho biết: "Hiệp ước Sandhurst" sẽ mang lại "cách tiếp cận nhân đạo" hơn và "hiệu quả" hơn, trong đó bao gồm các biện pháp quản lý trẻ vị thành niên tị nạn không có người thân đi cùng".
Thủ tướng Theresa May nói rằng, Anh và Pháp vẫn cam kết thực hiện Hiệp ước Le Touquet ký năm 2003, cho phép nhà chức trách hai nước có quyền kiểm tra người di cư ở biên giới của nhau. Bà Theresa May cũng thông báo rằng, các trẻ vị thành niên tị nạn không có người thân đi cùng sẽ được xử lý nhanh hơn.
Trong chuyến thăm đến Calais ngày 16-1, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, nước này sẽ không để tái phát trại tị nạn tự phát ở Calais hay còn gọi là "Rừng Calais". Trước khi bị giải tỏa năm 2016, "Rừng Calais" có gần 8.000 người tị nạn trú ngụ. Kể từ đó, vẫn còn hàng trăm người quanh quẩn ở lại trong khu vực, ấp ủ hy vọng tìm đường sang Anh.
Anh cũng thông báo sẽ triển khai ba máy bay trực thăng Chinook để hỗ trợ quân đội Pháp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Mali. Trước khi diễn ra cuộc họp, đại diện các cơ quan tình báo hai nước cũng đã gặp gỡ lần đầu tiên để thảo luận về chia sẻ thông tin tình báo.
Theo Báo Nhân dân