Kỳ Phú là xã vùng cao có 13 thôn, 1.309 hộ với 5.201 khẩu (trong đó 1.598 phụ nữ tuổi 15-49), tỷ lệ dân tộc Mường chiếm 71%. Gần 10 năm về trước, công tác dân số gặp rất nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về mặt xã hội, nhất là việc sinh đẻ còn nhiều hạn chế, mỗi năm trên địa bàn xã có từ 100-150 cháu được sinh ra, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 25-30%. Bản thân anh Nhân gặp không ít khó khăn trong việc vận động chị em thực hiện KHHGĐ.
Bắt đầu làm cán bộ chuyên trách từ năm 1993, anh Đinh Xa Nhân chứng kiến biết bao buồn, vui về công tác dân số của xã. Với riêng anh, là chuyên trách dân số thuộc phái mạnh nên phần lớn chị em thường ngại tiếp xúc và trò chuyện những điều "tế nhị".
Anh kể: Nhiều lần đi vận động, có nhiều gia đình không bằng lòng tức giận, phản ứng bằng cách lánh mặt, hay có những lời ra, tiếng vào... Không tự ái, chẳng nản lòng, anh vẫn kiên trì vận động chị em. Theo anh Nhân, công tác dân số là một nghệ thuật, phải biết cách tuyên truyền, vận động, thuyết phục thì mới hy vọng có kết quả. Kinh nghiệm mà anh Nhân rút ra không quá trình công tác, đó là phải thực sự đồng cảm với "đối tượng" thì họ mới tin và nghe mình...
Hàng tuần và trong những đợt cao điểm truyền thông dân số, anh Nhân thường phải sắp xếp thời gian cũng như công việc nhà để đến thăm hỏi, động viên các hộ gia đình mà mình quản lý. Ngoài việc vận động, tuyên truyền, anh còn tìm hiểu kỹ về các phong tục, tập quán của từng thôn, bản để có cách tiếp cận cũng như giải quyết mọi thắc mắc của các đối tượng.
Thông qua các cuộc họp đoàn thể, họp khu dân cư anh còn tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng để họ cùng tuyên truyền, vận động chính sách dân số-KHHGĐ đến bà con trong các họ tộc, con cháu. Ngoài ra, anh cùng các cộng tác viên dân số đã có nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, có hiệu quả để bà con tiếp cận các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách dễ hiểu, dễ thực hiện.
Không chỉ tâm huyết với nghề, anh luôn tạo điều kiện giúp đỡ những cộng tác viên gặp khó khăn trong công việc cũng như trong đời sống, anh tham mưu cho xã hỗ trợ cho cộng tác viên để tăng thu nhập. Từ đó, đội ngũ cộng tác của Ban dân số xã ổn định, yên tâm phục vụ lâu dài cho công tác này.
16 năm làm công tác dân số, anh Đinh Xa Nhân không nhớ mình đã đến bao nhiêu gia đình tuyên truyền và tư vấn cho bao nhiêu cặp vợ chồng thực hiện dân số-KHHGĐ. Chỉ biết rằng, năm nào xã anh cũng đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Anh chia sẻ: "Để vận động được các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) là cả một quá trình gần gũi, chia sẻ, thuyết phục, giải tỏa cho họ những băn khoăn, lo lắng khi sử dụng các BPTT...". Vì vậy tỷ lệ các cặp vợ chồng trong xã sử dụng các BPTT hiện đại đã đạt 758/913 người (chiếm 83,02%). Điều đáng mừng là tỷ lệ sinh con thứ 3 trong xã giảm dần theo từng năm, từ 13% năm 2004 xuống còn 9% năm 2008. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, toàn xã tỷ lệ sinh con thứ 3 là 8%.
Tận tụy trong công việc, anh Đinh Xa Nhân đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện và được tặng Huy chương Vì sự nghiệp dân số. Anh vinh dự là một trong 5 người của tỉnh đi dự hội nghị biểu dương những cán bộ dân số tiêu biểu toàn quốc năm 2009 do Tổng cụ Dân số-KHHGĐ tổ chức.
Thanh Hà