Sinh năm 1978, sau nhiều năm ra Bắc vào Nam lăn lộn với nghề xây dựng mà không ổn định, anh Dương trở về quê hương quyết chí làm giàu. Qua tìm hiểu, anh thấy nuôi ba ba là một hướng làm ăn hay, vì con ba ba không khó tính lắm, kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản mà giá bán lại cao, nguồn tiêu thụ ổn định. Nghĩ thế anh vay vốn đầu tư gần 500 triệu đồng vào để cải tạo ao, đưa 1 vạn con ba ba vào nuôi. Nhưng do tận dụng nuôi chung cá chuối trong ao ba ba, mà cá chuối là loại ăn thịt, chúng đã ăn mất gần 5 nghìn con ba ba giống, thêm vào đó, do chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật nên ba ba bị ốm chết nhiều, lớn chậm vậy là thất bại. Nhưng không cam chịu, anh lại khăn gói vào miền Nam trực tiếp xem và học hỏi cách nuôi ba ba của các trang trại lớn, anh còn bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê chuyên gia về tận nhà tư vấn kỹ thuật. Nhờ vậy mà hiện nay 1,5 vạn con ba ba của anh sinh trưởng và phát triển tốt, cứ khoảng 6 tháng anh lại xuất 1 lứa khoảng 4-5 tạ ba ba, với giá hiện tại từ 180.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại, trừ chi phí, hàng năm anh cũng thu về gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, hiện nay anh còn tự sản xuất được giống và cung cấp cho thị trường trong tỉnh.
Thức ăn của ba ba gồm 3 loại chính là động vật tươi sống, động vật khô và thức ăn công nghiệp. Thông thường thì anh cho ăn bằng cá tươi xay nhuyễn. Cứ 2 ngày anh lại đi mua cá nhỏ ở các vùng biển Thanh Hóa, Kim Sơn về để cho chúng ăn, giá loại cá này tương đối rẻ, chỉ 4.500 đồng/kg. Khi cho ăn nên chú ý cho ăn ở một địa điểm cố định. Lượng thức ăn nên cho vừa đủ, tránh để dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước, những ngày trời nắng đẹp ba ba ăn mạnh thì cho ăn hai bữa một ngày… Đó là nuôi ba ba thịt, còn với ba ba giống thì yêu cầu tỉ mỉ hơn.
Không chỉ nuôi ba ba, anh còn có cả một ao nuôi cá chuối và hơn chục con nhím, bổ sung vào nguồn thu nhập hàng năm của gia đình gần trăm triệu đồng. Học tập cách làm giàu của anh Dương, đến nay trên địa bàn xã Gia Hòa đã phát triển thêm gần chục hộ nuôi ba ba, cho thu nhập khá.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu