Trong ngày hội, người dân được hòa mình vào nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc như: đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, đánh mảng, đi cà kheo... Đối với những người dân bản địa, đây chính là những môn thể thao mang tính "đặc sản" của họ, được người dân yêu thích. Trong một khung cảnh náo nhiệt, rộn rã sắc màu của những bộ trang phục truyền thống, khi ánh dương còn đang lấp ló bên rặng núi xa, những trai thanh gái lịch của bản đã dập dìu vào hội. Hình ảnh những cặp cà kheo cao lêu nghêu được người đi điều khiển thoăn thoắt, màn đẩy gậy độc đáo náo nhiệt người hò reo cổ vũ, một vòng còn được dựng lên cao vút với dây cờ và nhiều tua rua ngũ sắc, xúm quanh cây còn là rất đông bà con dân bản với nét cười rạng rỡ, phấn khích...
Trong cả một năm lam lũ, tất bật với ruộng rẫy, đây là dịp để người dân được thỏa sức vui chơi, được gặp gỡ giao lưu với bè bạn thôn xa, bản gần. Đối với đồng bào thiểu số ngày hội này còn có ý nghĩa lớn hơn cả ngày Tết. Bởi những ngày hội không chỉ kéo dài trong vài ba ngày như Tết của người Kinh mà dư âm của nó trở thành năng lượng sống, thành nguồn cảm hứng cho người dân cho suốt tới mùa hội sau.
Đến với các hoạt động thi đấu thể thao, với các trai làng gái bản không chỉ để được thi thố mà quan trọng hơn đây cũng là dịp để được hò hẹn, giao duyên, thề ước...Và như vậy ý nghĩa của các hoạt động thể thao nhiều khi vượt ra ngoài khuôn khổ các hoạt động thi đấu thông thường, trở thành đặc trưng văn hóa của đồng bào, là một nét độc đáo trong phong tục của các địa phương vùng cao.
Trong các hoạt động thể thao - văn hóa sắp được tổ chức nhằm phục vụ Lễ kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, huyện Nho Quan cũng sẽ mang "đặc sản" văn hóa của mình đi tham dự. Với những nét văn hóa truyền thống của mình, đặc biệt là các môn thể thao, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, chắc chắn sẽ góp thêm một nét văn hóa truyền thống, độc đáo riêng của lễ hội, tạo được ấn tượng đặc biệt với người dân và du khách trong mùa lễ hội 2018.
Mai Phương