Cơ hội cho lao động nông thôn Công ty cổ phần May xuất khẩu Hưng Thịnh nằm trên địa bàn xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan hoạt động từ năm 2017 chuyên sản xuất hàng may xuất khẩu đi các nước châu Âu, châu Mỹ. Mỗi tháng, bình quân Công ty xuất khẩu trên 5 nghìn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 công nhân, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, Công ty đã tiếp nhận khá nhiều lao động ngoài tuổi 35- độ tuổi khó xin việc vào làm tại các doanh nghiệp lớn. Chị Phạm Thị Phương, một lao động địa phương đang làm việc tại công ty, từng có nhiều năm đi làm công nhân cho một công ty may mặc ở phía Nam.
Khi địa phương thu hút doanh nghiệp may mặc về đầu tư mở xưởng, chị Phương về quê và được tiếp nhận vào làm việc với mức lương xứng đáng với tay nghề của chị. Chị Phương chia sẻ, đối với người phụ nữ, được đi làm gần nhà là điều ai cũng mong ước, vì vừa có thu nhập, vừa có thể chăm lo cho gia đình, nhất là khi con cái đang tuổi ăn học.
Từ một người chỉ biết làm nghề nông, nay, chị Nguyễn Thị Đoan, xã Văn Phú (Nho Quan) đã là công nhân của một tổ hợp may đứng chân trên địa bàn với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng. Không phải đi xa nhà, nên ngoài giờ làm ở xưởng may, chị Đoan vẫn đảm đương việc cày cấy 8 sào ruộng để đảm bảo lương thực cho gia đình và còn dành để chăn nuôi. ở xưởng may của chị Đoan, không ai phải bỏ ruộng để làm công nhân. Những lúc thời vụ, Công ty tạo điều kiện để công nhân nghỉ luân phiên gieo cấy, thu hoạch lúa.
Hơn nữa, có lương ổn định, người lao động sẵn sàng bỏ tiền để thuê người phụ nên việc cày cấy hoặc thu hoạch lúa được hoàn thành nhanh chóng. "Chúng tôi đã được doanh nghiệp trực tiếp dạy nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Vừa học vừa làm, người lao động có thể có thu nhập dựa vào số sản phẩm làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, đa số chúng tôi đã thạo nghề và tăng thu nhập cho gia đình. Trước đây, để kiếm được khoản tiền này, chúng tôi phải lăn lộn đi làm thuê ở khắp nơi"- chị Đoan chia sẻ.
Ông Đinh Văn Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết, hiện nay toàn xã có trên 6.000 nhân khẩu, trong đó, trên 3.000 người trong độ tuổi lao động. Số lao động làm nông nghiệp chiếm trên 90%. Trước đây, xã đã tổ chức đưa một số nghề thủ công vào địa bàn song duy trì được rất ít vì ngày công lao động thấp. Để tìm kiếm việc làm, nhiều lao động phải đi làm ăn xa.
Đối với lao động nữ, giải pháp được lựa chọn là đi làm ở các KCN vùng lân cận, tuy nhiên do điều kiện đi lại xa xôi nên nhiều lao động bỏ dở. Vì vậy, với việc thành lập các công ty nhỏ, các tổ hợp may tại địa phương được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Mặt khác, khi đặt xưởng may tại địa phương, doanh nghiệp cũng tận dụng được nguồn lao động trẻ, dồi dào. Hiện nay, trên địa bàn xã Văn Phú có Công ty may Văn Phú và 3 tổ hợp may đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương.
Cần đảm bảo an toàn trong lao động
Theo ông Lê Văn Trụ, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nghề may thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Công việc không vất vả nhưng thường xuyên phải ngồi hoặc đứng quá lâu nên rất dễ mắc những bệnh lý.
Ngoài ra, trong quá trình làm, công nhân cũng thường xuyên tiếp xúc với bụi vải may, bông. Trong khi đó, người lao động không trang bị khẩu trang phù hợp nên hay mắc bệnh về đường hô hấp. Khi mắc bệnh này, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến mãn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Thêm vào đó, công nhân cũng dễ mắc bệnh về mắt nếu môi trường làm việc không đảm bảo về ánh sáng.
Phần lớn, các bệnh lý mà công nhân ngành may mắc phải đều không nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp theo quy định. Đó là những bệnh thông thường mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, nhất là khi tuổi càng cao. Tuy nhiên, đối với công nhân ngành may, do đặc thù công việc thì thời gian diễn biến của bệnh nhanh và trầm trọng hơn, tỷ lệ mắc cũng cao hơn.
Để giúp người lao động hạn chế tình trạng bệnh tật thì doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, trên thực tế, để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp hạn chế đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện làm việc khiến nhà xưởng chật hẹp, nóng bức, gia tăng nồng độ bụi và tiếng ồn. Đây đều là những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Hưng Thịnh, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) thẳng thắn thừa nhận, mặc dù Công ty đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sống cho người lao động, tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì đơn vị chưa thực hiện được. Thậm chí, cũng chưa bố trí được nhân viên y tế để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Không chỉ nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, các công ty nhỏ, các xưởng may còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn về cháy nổ. Hầu hết, các xưởng may nhỏ gần như giống nhau về kiến trúc. Đó là những ngôi nhà cấp 4, trần nhà được cách nhiệt bằng các tấm xốp, dưới sàn bày la liệt sản phẩm, vật liệu dễ cháy như vải, nilong, xốp…Trong khi đó, do mặt bằng nhà xưởng nhỏ, chỉ đủ diện tích để công nhân sản xuất, còn kho chứa hàng lưu trữ nguyên liệu, thành phẩm đóng gói không có, Công ty phải đi thuê nhà dân nên tiềm ẩn nguy có thể xảy ra cháy nổ.
Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết, các vật liệu trong may mặc là những vật liệu rất dễ cháy. Trong khi đó, qua kiểm tra thực tế cho thấy, đối với các cơ sở may lớn, thì hầu hết đã được cơ quan chuyên môn nghiệm thu đề án, thiết kế về PCCC trước khi đi vào hoạt động. Đối với những cơ sở may nhỏ lẻ thì việc đảm bảo an toàn trong PCCC thì khó khăn hơn nhiều do mặt bằng chật hẹp, việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm các lối thoát nạn; chưa đầu tư xây dựng hệ thống báo cháy…
Trong khi đó, đường giao thông ở các cơ sở may không thuận lợi, ở xa nguồn nước… nên khi xảy ra cháy rất khó khăn cho việc cứu cháy. Với phương châm "phòng hơn chống", trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng và tổ chức huấn luyện thực hành chữa cháy cho công nhân của hàng trăm cơ sở may mặc trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng kiên quyết xử phạt các cơ sở cố tình vi phạm quy định về PCCC theo đúng quy định của pháp luật.
Đào Hằng