Đồng chí Nguyễn Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Ân Hòa cho biết: Hiện nay, xã Ân Hòa đã đạt được 16/19 tiêu chí, phấn đấu sẽ trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ân Hòa cũng gặp phải một số khó khăn ban đầu. Đó là tư tưởng bảo thủ, trông chờ của một bộ phận người dân, không ít ý kiến cho rằng xây dựng nông thôn mới là do Nhà nước đầu tư. Không chỉ người dân, mà một số cán bộ, đảng viên cũng chưa hiểu rõ về xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua các buổi họp thôn xóm, phổ biến nội dung, ý nghĩa, hỏi đáp những thắc mắc về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có trên 2.000 người dân trong xã tham dự.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, việc thực hiện Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao, dân chủ ở cơ sở ngày càng được mở rộng, nhân dân tin tưởng, phấn khởi hưởng ứng và tham gia.
Sau khi có sự ủng hộ của nhân dân, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo. Xã Ân Hòa đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế.
Nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong lao động sản xuất... đã giúp nông, lâm nghiệp, thủy sản tại địa bàn xã đạt được những kết quả nhất định. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.800 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản gần 52 ha, năng suất bình quân đạt 170 tấn thủy sản/năm. Trên địa bàn xã có 5 trang trại và 28 gia trại cho thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 100 triệu đồng/hộ/năm.
Cùng với đó, phát triển thương mại, dịch vụ cũng được quan tâm. Trên địa bàn xã có 13 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 300 lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 3-4 triệu/người/tháng; có 105 hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề phi nông nghiệp với trên 220 lao động tham gia hoạt động thường xuyên. Tổng giá trị sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp ước đạt 100 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, các lớp dạy nghề mộc, xây dựng, lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được xã tổ chức với trên 2 nghìn lượt người tham gia. Đây là điều kiện để người dân có thể tìm được việc làm, tạo thu nhập, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình, tổng nguồn lực xã Ân Hòa đã huy động được hơn 184 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 169 tỷ đồng, chiếm hơn 92%... Để làm đường giao thông, thực hiện dồn điền, đổi thửa, người dân đã hiến hơn 8 ha đất, giá trị tương đương hơn 13 tỷ đồng. Người dân cũng đóng góp trung bình 1 triệu đồng/khẩu để làm đường giao thông thôn, xóm.
Đặc biệt, có đoạn đường dài khoảng 200m dẫn vào nhà của 6 hộ dân của xóm 7, khoản đóng góp lên đến 5 triệu đồng/khẩu. Tuy nhiên, người dân các thôn, xóm vẫn tự nguyện đóng góp, với mong muốn sớm đưa xã Ân Hòa trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện nay, 3 tiêu chí chưa hoàn thiện là: đường giao thông, thủy lợi và trường học. Đây đều là những tiêu chí khó do cần nguồn vốn lớn. Theo dự tính của UBND xã, để hoàn thành 3 tiêu chí trên cần tổng kinh phí là gần 30 tỷ đồng. Tin rằng trong thời gian tới, Ân Hòa sẽ tiếp tục phát huy nội lực, sự đồng thuận và đóng góp của nhân dân trong xã để sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Thái Học