Anh Vũ Quốc Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi cho chúng tôi biết: 20 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung của xã đều đang làm ăn ổn định, nhiều hộ có thu nhập khá. Đặc biệt các hộ đều đang tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt các cây, con theo hướng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gia đình chị Lê Thị Hiền ở xóm 14 đã ra vùng quy hoạch tập trung này được hơn 10 năm. Chị nhớ lại: Ban đầu chỉ riêng việc có thể vượt ao, đầm tạo mặt bằng sản xuất đã làm chúng tôi tốn kém và vất vả rất nhiều, nào dám nghĩ đến mở trang trại quy mô lớn, nhất là lại nuôi các cây, con theo hướng sản xuất sạch. Nhưng càng làm càng hiểu ra để tồn tại được lâu bền thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều tất yếu.
Được biết hiện nay gia đình chị Hiền đang tập trung chăn nuôi lợn, nuôi cá, chim bồ câu và một số diện tích trồng rau sạch với thu nhập sau khi đã trừ chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Theo chị Hiền, sản xuất sạch phải được bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chuồng trại, người chủ trang trại đã phải bố trí một cách khoa học, sạch sẽ; đến khâu chọn giống phải lựa được những con thực sự khỏe mạnh; trong quá trình nuôi, chăm sóc chỉ được dùng thức ăn từ những nhà sản xuất có uy tín, không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… Với cách làm đó, các sản phẩm từ trang trại của gia đình chị Hiền luôn được tiêu thụ nhanh, giá cả hợp lý, tạo dựng được uy tín đối với khách hàng.
Anh Vũ Quốc Hoàn, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết thêm: cũng như gia đình chị Hiền, các hộ hội viên khác trong vùng sản xuất tập trung của địa phương đang tích cực học hỏi, từng bước triển khai các ứng dụng khoa học kỹ thuật về sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa số các hộ tiến hành nuôi lợn, nuôi cá trắm, cá mè, cá trôi và trồng rau sạch… Trong đó tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn, các khuyến cáo về sử dụng thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc bảo vệ thực vật…
Để các hộ yên tâm sản xuất thì Hội Nông dân xã cũng đã tập trung tuyên truyền để hội viên hiểu thêm ý nghĩa, tầm quan trọng của "sản xuất sạch" đối với sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời đứng ra tín chấp vay vốn, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thường xuyên cập nhật các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Những hoạt động này đã và đang được mở rộng trên địa bàn toàn xã không chỉ riêng tại vùng sản xuất tập trung.
Đào Duy