Với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã là gần 400ha, sản xuất lúa tại xã Ân Hòa đạt sản lượng hơn 3.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, lúa gạo thu về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân là chính, chỉ một phần nhỏ trở thành hàng hóa tiêu thụ tại thị trường trên địa bàn xã, huyện. Mặt khác, với đặc điểm địa lý giống với hầu hết các xã khác của huyện Kim Sơn, địa bàn xã Ân Hòa trải dài 9km bị sông Ân chia thành 2 khu vực. Đặc điểm này khiến tập quán canh tác lúa của nhân dân mỗi khu vực khác nhau. Phía bắc sông Ân thường gieo cấy giống lúa Tạp giao, gạo có phẩm chất ở mức trung bình. Loại gạo này có giá trị thấp nhưng cho năng suất cao nên vẫn được người dân canh tác nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Đồng ruộng ở phía nam sông Ân được gieo cấy giống lúa tám, gạo ngon nhưng năng suất thấp hơn giống lúa Tạp giao.
Ông Dương Văn Phái, Giám đốc HTX nông nghiệp Ân Hòa cho biết: Do tập quán canh tác trên nên diện tích trồng các giống lúa đặc sản chưa phát triển mạnh.
Ông Phái cũng giải thích thêm, các giống lúa đặc sản như nếp cái hoa vàng, nếp hạt cau, tám xoan, dự... có thời gian sinh trưởng dài ngày và chỉ sinh trưởng tốt nhất khi được cấy vào mùa muộn nên mức độ rủi ro bởi thời tiết cao hơn.
Tuy giá trị kinh tế cao hơn các giống lúa thường, song nhu cầu tiêu thụ trong nhân dân không lớn, khiến giá cả bấp bênh, không ổn định.
Chính vì vậy, việc ký kết hợp đồng sản xuất các giống lúa chất lượng cao giữa xã Ân Hòa với Công ty chế biến nông sản Bảo Minh có ý nghĩa vô cùng lớn. Giám đốc HTX nông nghiệp Ân Hòa cho biết, trong bản ghi nhớ hợp tác, phía Công ty chế biến nông sản Bảo Minh không chỉ đảm bảo việc thu mua các loại gạo đặc sản với giá cao mà còn hỗ trợ phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất các giống lúa mới tại địa phương. Đây là điều bất ngờ ngoài mong đợi bởi mục tiêu ban đầu của sự hợp tác chỉ là việc bao tiêu các giống lúa đặc sản mùa muộn của người dân.
Trong quá trình làm việc với đại diện của Công ty, Ban giám đốc HTX đã thống nhất về phương án bao tiêu nông sản, giá cả cũng như cách thức thu mua... Tuy nhiên, các giống lúa đặc sản trên phải được gieo cấy vào vụ mùa muộn nên việc hợp tác có nguy cơ tạm dừng trong thời gian dài.
Do đó, để thúc đẩy mối liên kết sản xuất "đôi bên cùng có lợi" này, hai bên đã thống nhất triển khai ngay mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2018 sắp tới. Đó là việc hình thành mô hình 30ha gieo cấy giống nếp cốm và hương sen. Đây đều là giống lúa chất lượng, giá trị kinh tế cũng cao hơn so với việc gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 hàng năm.
Đặc biệt là trong thời gian triển khai mô hình, phía Công ty sẽ hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón cũng như việc triển khai phương pháp canh tác gạo sạch của Công ty cho người nông dân tham gia.
Đến cuối vụ khi thu hoạch, Công ty sẽ thu mua với giá ưu đãi. Như vậy, người dân tham gia mô hình chỉ cần dành ra quỹ đất và công sức chăm bón, lại được đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản lượng gạo. Mặt khác, dựa trên kết quả của mô hình, Công ty sẽ tiến hành thu mua sản phẩm của các giống lúa này trong các vụ tiếp theo, đồng thời tiến hành thêm một số mô hình gieo cấy các giống lúa chất lượng khác.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Ân Hòa: Công ty chế biến nông sản Bảo Minh hiện là đối tác của trên 2.000 siêu thị trên toàn quốc. Đây là một trong những công ty chế biến và tiêu thụ nông sản hàng đầu miền Bắc.
Với uy tín và chất lượng nông sản đã được kiểm chứng, việc chọn xã Ân Hòa để phát triển vùng nguyên liệu nông sản là sự ưu ái lớn của Công ty đối với địa phương. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của xã.
Thái Học