Theo ông Ban Ki-moon, mặc dù số người nhiễm HIV có ít đi, số người tử vong vì AIDS có giảm đi, nhưng "AIDS vẫn là căn bệnh gây tử vong lớn cho chúng ta trong thời gian tới". Ở châu Phi, nơi số người mắc căn bệnh thế kỷ chiếm 2/3 con số của toàn cầu, AIDS thậm chí là căn bệnh gây tử vong số một.
Nhưng AIDS không chỉ là vấn đề của các nước nghèo hay các nước đang phát triển. Theo Cơ quan Phòng chống dịch bệnh của Mỹ, nước này cũng có đến 1,1 triệu người nhiễm HIV và mỗi năm lại có thêm 40 nghìn người nhiễm mới.
Trong thông điệp, ông Ban Ki-Moon kêu gọi phải chấm dứt tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử, vì chính nó ngăn cản nhiều người không thể học cách phòng tránh HIV và tiếp cận các dịch vụ điều trị.
Theo Tân Hoa xã, một khảo sát mới đây ở sáu thành phố của Trung Quốc với sự tham gia của 6.000 người cho thấy tình trạng kỳ thị và phân biệt đối với những người có HIV vẫn còn khá phổ biến ở nước này: 30% số người được hỏi cho rằng không thể để trẻ em có HIV học cùng những trẻ em khác; 65% không muốn ở chung phòng với người có HIV; và 48% không muốn ngồi cùng bàn ăn với người có HIV.
Trong Ngày Thế giới phòng chống AIDS lần thứ 20 này, ngoài việc nhắc lại thất bại trong điều chế vaccine ngừa căn bệnh chết người, thì báo chí cũng đưa ra một thông tin lạc quan về khả năng xóa bỏ sự lây truyền của HIV trong vòng 10 năm.
Tạp chí y học The Lancet của Anh đưa ra giả thuyết rằng, nếu hầu hết chúng ta, cả người lớn và trẻ em, được xét nghiệm HIV hàng năm và những người có kết quả dương tính được điều trị ngay thay vì đợi đến khi hệ thống miễn dịch đã suy yếu, thì việc lây truyền HIV sẽ bị chậm lại và gần như hoàn toàn bị loại trừ trong vòng một thập kỷ, mà nguyên nhân chính là do thuốc điều trị kháng virus sẽ làm giảm mạnh lượng HIV trong máu và các dịch tiết từ cơ quan sinh dục.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, kể cả nếu giả thuyết này đúng trên thực tế, thì vấn đề là, làm sao có thể thuyết phục những người khỏe mạnh đi xét nghiệm HIV hằng năm và làm sao có thể thuyết phục những người bị phát hiện dương tính đồng ý điều trị lâu dài bằng thuốc, một khi việc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ và tệ hơn, có thể khiến virus kháng thuốc.
Ngay ở Mỹ, nơi giới chuyên môn khuyến cáo xét nghiệm HIV cần được tiến hành thường xuyên như xét nghiệm cholesterol và các xét nghiệm nhanh rất đơn giản, chỉ tốn 15 USD, thế nhưng vẫn có đến 1/5 số người có HIV ở đây không biết tình trạng của mình và gần một nửa các trường hợp nhiễm mới chỉ được phát hiện khi đã quá muộn để có thể điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, giá của các xét nghiệm và điều trị cũng không hề rẻ đối với người dân nhiều nước trên thế giới.
Nhưng dù sao giả thuyết của The Lancet vẫn rất thuyết phục. Về lâu dài, các nhà nghiên cứu ước tính, cách làm này còn rẻ chán so với cách làm hiện nay là chờ để điều trị cho bệnh nhân khi họ bước vào giai đoạn cao trào của bệnh.
Hiện nay, chưa ai đề xuất biện pháp nói trên, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ mở một hội nghị để thảo luận các đề xuất mới về phòng chống HIV/AIDS. Và nếu tìm được nguồn lực, thì biện pháp này rất nên được thử nghiệm ở những khu vực thích hợp.
Theo NDĐT