Riêng đối với báo điện tử là loại hình đa phương tiện, có cả bài viết, âm thanh, hình ảnh động và tĩnh, trước mắt chưa chấm và trao giải riêng, mà sẽ được xem xét, chấm, trao giải theo hình thức thể hiện tương ứng với ba loại hình báo in, báo hình và báo phát thanh. Từ 146 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã bỏ phiếu kín, chọn 52 tác phẩm để chính thức trao Giải báo chí quốc gia năm 2008, trong đó có 3 giải A, 12 giải B, 37 giải C. Cụ thể: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép (báo in) không có giải A, 1 giải B, 10 giải C; Giải xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) không có giải A, 2 giải B, 4 giải C; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí (báo in) có 1 giải A, 3 giải B, 10 giải C; Giải ảnh báo chí có 2 giải C; Giải phát thanh dành cho tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận có 1 giải A, 2 giải B, 1 giải C; Giải phát thanh dành cho phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh không có giải A, 1 giải B, 1 giải C; Giải báo hình dành cho bình luận, giao lưu, tọa đàm không có giải A, 2 giải B, 3 giải C; Giải báo hình dành cho tin, phóng sự điều tra có 1 giải A, 2 giải B, 7 giải C. Ngoài ra, Hội đồng quyết định trao 28 giải khuyến khích dành cho các tác phẩm của 8 thể loại nói trên.
Lễ công bố và trao Giải báo chí quốc gia năm 2008 sẽ được tổ chức trọng thể tại Hà Nội vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2009. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp sự kiện này.
Theo HNM