Phóng viên (P.V): Thưa ông, là một người lính có mặt trong đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", tâm trạng của ông giờ phút lên đường như thế nào?
Ông Đàm Ngọc Bính: Năm 1972, cũng như bao làng quê Việt Nam, xóm Bắc, xã Ninh Phong là nơi tôi sinh ra và lớn lên bị giặc Mỹ ném bom tàn phá nặng nề. Xóm tôi nhiều người chết vì bom, có gia đình 3 người chết vì trúng bom Mỹ. Căm thù giặc sâu sắc, dù mới 16 tuổi, tôi vẫn viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi vô cùng sung sướng và tự hào. Ngày nhập ngũ, tôi cùng các thanh niên trong xóm được tổ chức Đảng, các đoàn thể của xóm gặp mặt, giao nhiệm vụ, trao gậy Trường Sơn, tặng khăn mặt. Tôi đã khắc vào chiếc gậy các con số: 30-8-1972. Đó là ngày tôi vinh dự trở thành người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày tôi lên đường thực hiện ước mơ của thanh niên thời chiến: Bao giờ đánh thắng giặc Mỹ mới trở về quê hương. Chiếc gậy Trường Sơn đó đã theo tôi ra trận, đến tận ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
P.V: Trong suốt chặng đường chiến đấu, với ông, kỷ niệm nào ghi nhớ nhất?
Ông Đàm Ngọc Bính: Có rất nhiều kỷ niệm hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là 30 ngày đêm tôi tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Có khi 3 ngày liền chúng tôi chỉ ăn rau rừng và lương khô. Chiến trường lúc đó rất cam go, quyết liệt, ta hy sinh, đổ máu nhiều, Đại đội thông tin của chúng tôi 111 người mà hy sinh và bị thương tới 54 người. Đau thương, mất mát là vậy nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng sẽ tới ngày toàn thắng.
Ông Đàm Ngọc Bính về với đời thường. Ảnh: Đức Lam.
P.V: Có phải niềm tin ấy chính là động lực để những người lính Cụ Hồ đạp bằng mọi gian khó, làm nên chiến thắng 30-4 thần kỳ, ghi vào lịch sử dân tộc?
Ông Đàm Ngọc Bính: Đúng như vậy. Vào những ngày tháng Tư năm 1975, tôi có mặt trong đoàn quân vượt qua quãng đường dài cả nghìn km thần tốc vào Nam tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho các đơn vị hành quân vào chiến trường "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Sau đó chúng tôi được thông báo, Bộ Chính trị quyết định lấy tên chiến dịch Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Với ý chí quyết tâm đánh nhanh, thắng nhanh, Quân đoàn I là một trong 5 cánh quân chủ lực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 5 ngụy, đánh chiếm Lai Khê, Thủ Dầu Một, Phú Lợi và thọc sâu phối hợp với Quân đoàn III đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Cùng với các cánh quân khác, Quân đoàn tiến vào thành phố với khí thế thần tốc một ngày bằng 30 năm. Trong tôi, ký ức ngày 30-4-1975 đến nay vẫn vẹn nguyên và nóng hổi. Sáng 30-4, sau khi tiêu diệt Sư đoàn 5, Trung đoàn chúng tôi được lệnh phải bắt sống Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, là Chỉ huy Sư đoàn 5 ngụy. Sau khi Sư đoàn 5 thất bại và tan rã, tên Vĩ rút chạy về biệt thự riêng cố thủ. Khi chúng tôi đến, tên Vĩ đã tự sát, gục đầu trên bàn.
P.V: Cảm xúc của ông khi nhận tin chiến thắng?
Ông Đàm Ngọc Bính: Trưa ngày 30-4, chúng tôi nhận tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Với những người lính, niềm vui lúc đó như muốn vỡ òa. Chúng tôi ôm nhau và hò reo "Mẹ ơi, miền Nam giải phóng rồi. Quê hương ơi, chiến thắng rồi". Sau đó, tôi vinh dự là một trong 10 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 141 tham gia đội hình diễu binh mừng ngày chiến thắng. Sài Gòn ngày 30-4 rợp cờ hoa, nhân dân Thành phố đứng chật hai bên đường vẫy chào quân giải phóng, khuôn mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ. Chúng tôi rất tự hào là những người lính đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
P.V: Bây giờ, mỗi khi đến ngày 30-4, những người lính có gặp nhau để ôn lại một thời máu lửa?
Ông Đàm Ngọc Bính: Không phải chỉ đến ngày 30-4, mà trước đó hàng tháng, chúng tôi đã rất bồi hồi cùng con cháu, cùng đồng đội ôn lại một thời hào hùng của dân tộc. Có rất nhiều hoạt động mà những CCB từng kinh qua một thời máu lửa đã và đang làm, như nói chuyện truyền thống tại các trường học trên địa bàn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu dân cư, thăm hỏi đồng đội, về thăm chiến trường xưa… Trong đó, việc giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ luôn là điều chúng tôi trăn trở. Càng lùi xa quá khứ, chúng ta càng cần giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ, làm sống dậy ở họ những ngày sôi động của cuộc chiến đấu chống xâm lược, qua đó nâng cao lòng tin của thế hệ trẻ vào dân tộc, cách mạng và Đảng, giáo dục họ noi gương cha ông để hoàn thành những nhiệm vụ ngày nay.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thu Thủy (Thực hiện)