Quê ở Gia Phong (Gia Viễn) nhưng thành phố Ninh Bình đã trở thành quê hương thứ hai của bác Quý kể từ khi bác về công tác tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Ninh Bình. Ngay sau khi nhận quyết định về nghỉ theo chế độ, ý thức và trách nhiệm của một người lính từng tham gia chiến đấu ở Tây Bắc luôn thôi thúc bác phải bắt tay ngay vào đảm nhiệm công việc của phố, phường.
Được sự động viên, khích lệ của các đồng chí công an khu vực và cấp ủy cơ sở, bác nhận lời và tham gia công tác bảo vệ dân phố kể từ đó. Làm công tác bảo vệ dân phố, công việc vốn thầm lặng, nhưng những buổi tối tuần tra của bác Quý và các thành viên trong tổ bảo vệ dân phố phố Vạn Xuân trước kia (nay là phố Phú Xuân) đã góp phần không nhỏ để đảm bảo an ninh trật tự khu phố.
Bác Quý cho biết: Có lẽ lâu rồi thành quen. Chứ ngày mới bắt đầu công việc, tôi không tài nào quen được với việc cứ tầm 11h đêm đến 3h sáng "lang thang" qua từng con phố để tuần tra. Ngày thời tiết bình thường còn đỡ, khi mưa bão hay mùa đông rét mướt, phải ra khỏi nhà để làm nhiệm vụ mới thấy hết vất vả, nhọc nhằn của người làm công tác bảo vệ dân phố. Có những hôm thấy bác và các đồng chí trong tổ bảo vệ dân phố đeo băng đỏ, đi tuần tra, có những thanh niên vô ý thức còn trêu chọc, nói những lời khó nghe…
Bác bảo: Thấy công việc mình làm đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác bảo vệ dân phố, nhất là trong việc giúp lực lượng Công an phường thu thập các thông tin, phát hiện và báo tin kịp thời về các hành vi vi phạm… là tôi vui và hạnh phúc lắm rồi. Đặc biệt, công việc còn rèn luyện cho tôi tính kiên trì, dẻo dai, cảnh giác cao với các biểu hiện nghi vấn. Vui nhất là có lần phát hiện thấy một đối tượng ngày nào cũng đi xe máy vào khu vực phố mới, thậm chí có ngày ra - vào mấy lượt, tôi sinh nghi và âm thầm theo dõi, nhận thấy đây là đối tượng có hành vi khả nghi nên báo cáo với Công an phường.
Khi lực lượng công an ập vào bắt giữ, thì ra đó là một "đầu mối" buôn bán ma túy. Hắn lợi dụng khu vực đang xây dựng, ít người qua lại để làm nơi cất giấu ma túy. Khi có khách mới vào lấy hàng ra bán… Với những thành tích đạt được trong công tác bảo vệ dân phố, năm 2008 bác Lê Vương Quý được Bộ Công an tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Không chỉ gắn bó với công tác bảo vệ dân phố, bác Quý còn đảm nhiệm nhiều công việc ở phố như: Tổ phó tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh. Ở cương vị công tác nào, bác cũng được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm và quý mến vì sự nhiệt tình, hết lòng và trách nhiệm với công việc.
Trò chuyện với bác, điều làm tôi ngạc nhiên là suốt 20 năm gắn bó với công tác bảo vệ dân phố, không có chế độ, chính sách nào dành cho những người làm công việc bảo vệ dân phố, nhưng không vì thế mà bác chán nản hay bê trễ công việc. Từ tháng 10-2008, thành phố Ninh Bình đã có sự quan tâm và có chế độ bồi dưỡng mỗi đêm tuần tra 15.000 đồng/người. Và tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết có quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với những người làm công tác bảo vệ dân phố. Đây thực sự là tin vui đối với bác Quý nói riêng, những người làm công tác bảo vệ dân phố nói chung.
Điều mà bác Quý còn băn khoăn, trăn trở chính là: Năm nay bác đã 71 tuổi, chỉ vài năm nữa sức khỏe yếu không thể đảm nhận công việc nữa. Nhưng việc lựa chọn, tìm những thanh niên tham gia tổ bảo vệ dân phố hết sức khó khăn. Đã nhiều lần bác và đồng chí tổ trưởng tổ dân phố Phú Xuân để ý tới một số người đang trong độ tuổi thanh niên, nhưng họ đều từ chối với nhiều lý do khác nhau… Lý Nhân