Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, lãnh đạo phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành phố trong tỉnh, giám đốc một số HTX và các hộ nông dân tham gia mô hình.
Trực tiếp tham quan ruộng lúa cấy Bắc Thơm số 7 và TBR 225 có gen kháng bạc lá và ruộng đối chứng, các đại biểu đều thấy: trong khi các ruộng lúa lân cận và ruộng đối chứng cấy giống Bắc Thơm số 7 cũ bị bạc lá rất nhiều thì ruộng cấy 2 giống lúa mới này hoàn toàn không bị bạc lá, cây đồng đều, bông to, hạt mẩy và sáng hơn.
Còn theo đánh giá chi tiết từ Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh, 2 giống lúa Bắc Thơm số 7 và TBR 225 có gen kháng bạc lá có khả năng đẻ nhánh tốt, đẻ nhánh tập trung, số dảnh hữu hiệu và tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, trỗ bông tập trung, thời gian sinh trưởng từ 103-104 ngày. 2 giống này cũng cứng cây hơn, chiều dài bông dài hơn.
Đặc biệt, vụ mùa 2020, điều kiện thời tiết thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại nhưng trên 2 giống Bắc Thơm số 7 và TBR 225 có gen kháng bạc lá không thấy bệnh bạc lá phát sinh. Về năng suất, giống Bắc Thơm số 7 có gen kháng bạc lá đạt 57,7 tạ/ha, giống TBR 225 có gen kháng bạc lá đạt 70,5 tạ/ha. Ngoài ra, 2 giống này đều có chất lượng cơm mềm, dẻo, đậm và thơm.
Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Chi cục Trồng trọt&BVTV tỉnh, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed tiếp tục đồng hành cùng nông dân mở rộng diện tích 2 giống lúa mới này trong các vụ sản xuất tiếp theo.
Trong những năm gần đây, bệnh bạc lá có xu hướng xuất hiện và gây hại nhiều hơn, đặc biệt là ở vụ mùa, trên một số giống thuần, chất lượng cao, đã bị thoái hóa như: LT2, Nếp…
Chính vì thế việc khảo nghiệm, đánh giá, lựa chọn được những giống lúa kháng được bệnh bạc lá, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, chất lượng gạo tốt như Bắc Thơm số 7 và TBR 225 có gen kháng bạc lá để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh là điều đặc biệt có ý nghĩa.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn