Khi được hỏi tại sao gắn bó với công tác hội gần 10 năm với khối lượng công việc lớn và mất khá nhiều thời gian, chị Hoàng Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) nói vui rằng: Nhiều khi thấy mọi người gọi mình là "ăn cơm nhà vác tù và hàng phố" cũng cảm thấy băn khoăn nhưng rồi công việc bộn bề lại chẳng có thời gian mà nghĩ đến nữa. Không rõ đó có phải là sự trăn trở về công việc hiện tại hay không nhưng nhìn cách chị đi đến từng nhà để tuyên truyền cho chị em những kiến thức để nuôi con khỏe, cách tăng gia sản xuất phát triển kinh tế... cũng đủ thấy sự nhiệt tình, tâm huyết của người cán bộ hội này. Bắt đầu làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ phường từ năm 2001, rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch 2 nhiệm kỳ liên tiếp, chị Phượng luôn thể hiện sự cố gắng không ngừng. ở địa bàn có tới 60% chị em tham gia buôn bán, kinh doanh, công nhân viên chức... với nhiều ngành nghề khác nhau, còn lại là làm nông nghiệp nên trình độ nhận thức cũng có sự chênh lệch. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần có phương pháp và cách thức riêng. Với những hội viên nghèo, chị Phượng tìm cách tư vấn, giúp đỡ về vốn vay, cách thức làm ăn, cách chăm sóc sức khỏe... Hiện nay, trong toàn hội đã có 11 hộ gia đình nghèo được giúp đỡ vay vốn với tổng số tiền là 80 triệu đồng, đã đầu tư đúng mục đích và đang dần phát huy hiệu quả. Hội cũng vận động hội viên giúp đỡ 96 ngày công, quyên góp 3,6 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo và gia đình chính sách ở phố Phong Quang, Trại Lộc.
Với những hội viên làm kinh doanh, đa số chị em đều chấp hành tốt những quy định của Nhà nước về việc đóng thuế, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Ngoài ra, hội viên phụ nữ còn tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường tại địa phương. Đến nay, có 94% hội viên đạt 3 tiêu chuẩn "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Kim Phượng, người luôn được chị em trong Hội yêu mến, tin cậy. Chị chia sẻ: Để có thể yên tâm công tác, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, thông cảm của gia đình.
Không có được sự may mắn như chị Phượng khi có chồng chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc các con, chị Nguyễn Thị Thanh Hảo, giáo viên Trường THCS xã Gia Phú (Gia Viễn) phải 1 mình nuôi 3 con nhỏ. Sau khi chồng qua đời, ngoài việc dạy học, chị Hảo làm thêm nhiều công việc khác để đảm bảo đủ tiền nuôi các con ăn học. Không phụ lòng mong mỏi và sự vất vả lo toan của mẹ, các con của chị Hảo đều ngoan ngoãn và là học sinh khá, giỏi các cấp. Riêng cháu thứ 3, 2 năm liền đạt giải nhất môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh với số điểm tuyệt đối. Đến giờ sau bao nỗ lực, chị Hảo đã có thể tự hào nhìn các con trưởng thành. Cháu lớn nối nghiệp của mẹ, hiện đang là giáo viên tiểu học, cháu thứ 2 đã tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, đang công tác tại Ban thanh kiểm tra đô thị tỉnh Vĩnh Phúc, cháu thứ 3 đang là sinh viên Trường Đại học Xây dựng. Cuộc sống gia đình có bao điều phải lo toan nhưng chị Hảo vẫn không nguôi tâm huyết với nghề dạy học. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu giáo viên giỏi, lao động tiên tiến cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Năm 2005, chị được UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào "Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà".
Tuy mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng những người phụ nữ đó đều cố gắng làm tốt công tác xã hội và hơn nữa là làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình.
Duy Hiền