Dự hội thảo có ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO; ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội đến từ Trung tâm Di sản thế giới UNESCO; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO của các nước Đông Nam Á, các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; đại biểu các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, công viên địa chất toàn cầu, các ban, các trung tâm quản lý di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.
Ông Kishore Rao và các vị khách quốc tế thăm danh thắng Tràng An -Tam Cốc - Bích Động
Dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, và chia sẻ những kinh nghiệm, các đại biểu tham gia Hội nghị diễn đàn tiểu khu vực ASEAN với chủ đề "Công ước 1972 và phát triển bền vững: Gắn kết Công ước 1972 và chương trình con người và sinh quyển (MAB)" đều thừa nhận công ước di sản thế giới là một công cụ quan trọng và được khẳng định trong tuyên bố sau: Chính quyền, các ban ngành liên quan và các nhà quản lí di sản nên hợp tác để đảm bảo việc bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản thế giới đã được công nhận cũng như điều chỉnh luật pháp quốc gia cho phù hợp với các hiệp định quốc tế.
Tuyên bố đã đề cao vai trò và Sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong việc quản lí di sản thế giới và các di sản khác được UNESCO công nhận; nhấn mạnh ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, giáo dục về các di sản.
Tại các địa phương có di sản nên đặc biệt chú trọng tới những vấn đề giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đối phó với thảm họa và giảm thiểu rủi ro.
Mỗi chính phủ nên thúc đẩy sáng kiến "Mạng lưới xanh" nhằm trao đổi kinh nghiệm, tăng sự hợp tác khu vực về quản lý và bảo tồn các giá trị di sản được UNESCO công nhận, góp phần giữ gìn đa dạng văn hóa - sinh học và phát triển bền vững…
Nguyễn Thơm