Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thành lập năm 1965 với tên gọi đầu tiên là Trại Điều dưỡng thương binh C. Trải qua bao thăng trầm, với nhiều tên gọi khác nhau, song các thế hệ cán bộ, nhân viên nơi đây vẫn giữ vững lòng nhiệt huyết, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho thương, bệnh binh.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật mà Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đã đạt được trong thời gian qua?
Đồng chí Lâm Quang Đạo: Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan hiện đang quản lý, nuôi dưỡng 131 đối tượng bệnh nhân tâm thần, trong đó có 86 thương, bệnh binh tâm thần nặng đặc biệt của 25 tỉnh, thành phía Bắc từ Quảng Trị trở ra.
48 năm qua, Trung tâm đã điều trị cho hàng trăm thương, bệnh binh có sức khỏe ổn định, đưa về an dưỡng tại gia đình hoặc các trung tâm nuôi dưỡng của địa phương; hội chẩn cấp cứu điều trị thành công hàng trăm trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh nội, ngoại khoa như: tim mạch, phế quản, thận...
Đặc biệt, thời gian qua, đơn vị còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ cai nghiện moóc phin cho thương, bệnh binh và bệnh nhân nghiện do phải dùng thường xuyên moóc phin giảm đau theo phương pháp giải độc bằng thuốc đặc hiệu Hêlatốt. Trung tâm còn phối hợp với Viện Khoa học chỉnh hình tổ chức nhiều đợt cai nghiện cho các đối tượng tại nhiều Trung tâm nuôi dưỡng ở một số tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam... Bên cạnh đó, Trung tâm có một phòng xét nghiệm khoa dược có thể đảm bảo chẩn đoán điều trị và cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc để công tác điều trị đạt kết quả cao. Bộ phận dược còn có thể pha chế được huyết thanh, các thuốc ngoài da, thuốc nhỏ mắt, nấu cao động vật dùng vào việc điều trị nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Ngoài ra, Trung tâm còn giúp địa phương điều trị nhiều lượt bệnh tâm thần nặng mà gia đình không quản lý được.
Với đặc điểm của bệnh nhân tâm thần hay bỏ trốn, đi lang thang ra ngoài, gây mất trật tự an toàn xã hội nên để quản lý và chữa trị, Trung tâm đã không ngừng đổi mới công tác quản lý bệnh nhân, trong đó mô hình quản lý "mở" được nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả. Với mô hình này, bệnh nhân được sinh hoạt trong không gian rộng, có vườn hoa, cây xanh thoáng mát, có nhân viên chuyên môn quản lý, hướng dẫn hoạt động liệu pháp, giúp thương, bệnh binh dần xóa mặc cảm bị giam cầm, tù túng, trở nên sống cởi mở, gần gũi, thân thiện với mọi người và nhân viên phục vụ. Do áp dụng tốt phương pháp "mở", hơn 10 năm nay, Trung tâm không có bệnh nhân bỏ trốn ra ngoài đơn vị.
Ngoài công tác điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, Trung tâm đã giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương, bệnh binh và gia đình họ như: chế độ trợ cấp ưu đãi giáo dục, y tế cùng các chế độ ưu đãi khác. Trong vài năm trở lại đây, Trung tâm đã mạnh dạn thành lập quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và vận động các địa phương có con em đang nuôi dưỡng tại Trung tâm, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm giúp đỡ về kinh phí để từng bước cải thiện cho thương, bệnh binh trong quá trình điều trị và cả khi hòa nhập cộng đồng...
PV: Chăm sóc bệnh nhân bình thường vốn đã vất vả, chăm sóc bệnh nhân là thương binh tâm thần thì gian khổ hơn nhiều, nhất là khi nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vẫn còn hạn chế. Vậy, Trung tâm đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?
Đồng chí Lâm Quang Đạo: Nhiều năm qua, cán bộ, công nhân viên ở Trung tâm xác định chăm sóc thương, bệnh binh không chỉ là "trách nhiệm" mà trên tất cả đó còn là tình yêu, sự biết ơn của thế hệ sau đối với những người có công với đất nước. Chúng tôi thấy tự hào và may mắn khi được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho những con người kiên trung ấy. Và trong khó khăn, gian khổ, tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp càng thêm sắt son, bền chặt, từ đó giúp chúng tôi cũng như người bệnh vượt qua khó khăn.
Sự thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các tổ chức, cá nhân là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với tập thể cán bộ, CNVC-LĐ và các thương, bệnh binh. Các cán bộ, viên chức của Trung tâm coi thương, bệnh binh như chính những người thân trong gia đình mình để gần gũi, động viên, chăm sóc cho các đối tượng từ những việc làm nhỏ nhất như: chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc, đến tắm giặt, cắt tóc, cắt móng chân, móng tay…
Cảm mến những tấm lòng ấy, nhiều thương, bệnh binh dũng cảm vượt lên bệnh tật, tích cực, kiên trì điều trị, chấp hành tốt các quy định của đơn vị. Bên cạnh đó, họ còn tích cực tham gia các hoạt động, thể dục thể thao, lao động trị liệu, phục hồi chức năng, tham gia trồng rau xanh, chăm sóc vườn cây thuốc nam, trồng vườn cây lưu niệm…
Nhờ đó, một số thương, bệnh binh đã dần dần ổn định bệnh tâm thần, nâng cao thể lực, hòa nhập trở lại với cộng đồng, là công dân gương mẫu, có nhiều đóng xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con trưởng thành, điển hình như: ông Lê Xuân Khải-thương binh 1/4; ông Lê Chí Viễn-thương binh 1/4; ông Phạm Văn Quế-thương binh 1/ 4; ông Đinh Công Truật-thương binh 1/4 mất sức 91%…
PV: Kỷ niệm ngày 27-7 năm nay, Trung tâm sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lâm Quang Đạo: Kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị các chương trình văn nghệ để động viên tinh thần bệnh nhân, giúp họ có những giây phút thoải mái nhất. Những tiết mục văn nghệ này là do cán bộ, nhân viên Trung tâm tự biên, tự diễn bằng tất cả tấm lòng biết ơn đối với các thương, bệnh binh.
Đặc biệt, trong tháng Đền ơn đáp nghĩa này chúng tôi vận động cán bộ, nhân viên làm việc không có ngày nghỉ, dành nhiều thời gian hơn nữa để chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, một hoạt động truyền thống là thay mặt thân nhân gia đình, chúng tôi tu bổ, chăm sóc, hương khói, thờ cúng hơn 100 ngôi mộ thương, bệnh binh đã từ trần được mai táng tại nghĩa trang của đơn vị.
Hiện nay, vẫn còn một số ngôi mộ chưa tìm được thân nhân, gia đình. Đây là điều trăn trở đối với chúng tôi từ nhiều năm nay. Song, vì những khó khăn về kinh phí nên chúng tôi chưa thực hiện được việc tìm thân nhân cho người đã mất.
Thời gian tới, chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân sẽ chung tay với chúng tôi thực hiện tâm nguyện cho những thương, bệnh binh trước khi mất: đưa phần mộ của họ trở về yên nghỉ ở quê nhà. Đó cũng là việc làm cần thiết thể hiện sự tri ân đối với những đóng góp của họ.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Hùng (Thực hiện)