Đầu tư vào nông nghiệp: vừa thiếu, vừa yếu Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Hiện nay, các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, phần lớn là theo hình thức trang trại, gia trại, giá trị đem lại chưa cao. Việc chuyển đổi từ loại hình trang trại, gia trại của các hộ cá nhân, gia đình lên hình thức doanh nghiệp để thực hiện các dự án đã có nhưng số lượng không nhiều. Tỷ lệ vốn thực hiện của các doanh nghiệp so với tổng mức đầu tư đăng ký còn thấp dẫn đến hiệu quả và giá trị đóng góp chưa cao. Cũng bởi vậy mà có rất ít các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong khi đó, một số lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh Ninh Bình có tiềm năng phát triển như trồng và chế biến rau, củ, quả an toàn; nuôi trồng thủy sản tại các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả... lại chưa được đề cập đến trong Nghị định số 210 của Chính phủ. Mặt khác, hiệu quả của các chính sách đã được ban hành trong thời gian qua chưa thực sự sâu, rộng và mức độ tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư chưa cao…
Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, nếu so với tổng số 550 dự án của toàn tỉnh thì số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là rất ít, chỉ chiếm khoảng 5,5%, số vốn đăng ký cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ (1.900 tỷ đồng /10.429.611 tỷ đồng). Các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; lĩnh vực trồng trọt chiếm tỷ lệ không đáng kể. Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Yên Khánh) là một trong số ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh thời gian qua với việc sản xuất và cung ứng lúa giống cho thị trường, nhưng cũng đã gặp khá nhiều khó khăn. Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Từ năm 2007, chúng tôi đã phối hợp với địa phương tổ chức vùng quy hoạch sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao ở các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công (Yên Khánh) và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người sản xuất. Tuy nhiên, đến nay dự án mới duy trì sản xuất ổn định ở 2 xã. Nguyên nhân chính là do một phần không nhỏ nông dân vẫn chưa gạt bỏ được tư tưởng lợi ích trước mắt, không tính toán được chiến lược lâu dài nên đã phá vỡ hợp đồng trong quá trình liên kết. Việc làm này khiến doanh nghiệp thiệt hại đáng kể. Chỉ tính riêng ở vụ mùa năm 2015, doanh thu của Công ty đã giảm 1/3 so với trước đây.
Không chỉ riêng doanh nghiệp Hồng Quang, nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng cho rằng chính những hạn chế trong nhận thức của người nông dân đang là một cản trở lớn cho quá trình liên kết sản xuất. Hơn nữa, hoạt động này diễn ra ở vùng nông thôn, điều kiện tự nhiên khó khăn, lệ thuộc vào khí hậu và thời tiết, bệnh dịch; sản phẩm lại mang tính mùa vụ, dễ hư hỏng; thiếu đảm bảo về điều kiện hạ tầng, đất đai và nguồn lực. Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp có lợi nhuận thấp, tốc độ và thời gian thu hồi vốn chậm. Đặc biệt ở nhiều địa phương hiện nay diện tích sản xuất vẫn còn manh mún, gây trở ngại lớn cho việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ…
Cũng theo ông Phùng Văn Quang, ngoài các khó khăn kể trên, hiện nay các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, các thủ tục hành chính còn rườm rà, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế. Các chính sách còn chậm điều chỉnh và ban hành chưa kịp thời để phù hợp với sự đổi mới của nền kinh tế thị trường. Đơn cử như việc doanh nghiệp muốn được hưởng các chế độ ưu đãi khi thuê đất để mở rộng kho chứa sản phẩm nhưng sau vài tháng đề nghị, hiện doanh nghiệp này vẫn còn gặp khó khăn trong hoàn thiện thủ tục hồ sơ.
Từ những khó khăn, bất cập trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đã đến lúc cần có thêm chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp về cơ chế, nguồn lực để tạo sức hút mạnh mẽ hơn.
Tập trung đầu tư những dự án đặc thù của địa phương
Việc thông qua Nghị quyết "Ban hành quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020" trong bối cảnh hiện nay được xem như cú "hích" kích thích, thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, Quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp có dự án đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau các loại, cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản; cơ sở sấy lúa, ngô, khoai sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện dự án đầu tư vào nuôi dê, gia cầm; trồng rau các loại, hoa cao cấp và cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản; cơ sở sấy lúa, ngô, khoai sắn, sấy phụ phẩm thủy sản; cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020. Quy định này không áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các dự án đầu tư đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của Nhà nước. Về nguyên tắc áp dụng, trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất. Điều kiện áp dụng chung là Dự án nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận cho phép đầu tư nếu chưa có trong quy hoạch được duyệt. Đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư có sử dụng tối thiểu 50% lao động tại địa phương. Tổng mức hỗ trợ dự kiến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho giai đoạn 2016 - 2020 không quá 71 tỷ đồng.
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT: Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì cần có sự nỗ lực hơn nữa từ phía các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực đầu tư và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhất là đối với công tác cải cách hành chính; tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh... Làm được điều đó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc có thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là "chìa khóa" để khai thác tiềm năng, nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, để đảm bảo cho chính sách được nêu trong Nghị quyết có tính thực tiễn, khả thi và đem lại hiệu quả cao, thực sự là đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp thì còn rất nhiều việc phải làm.
Đinh Ngọc - Đào Duy