Chúng tôi được chị Lê Thị Dung (chủ trang trại) giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm một quy trình trồng rau theo vòng tròn khép kín. Ban đầu chị ưu tiên chọn đất thích hợp cho yêu cầu của từng loại rau, rồi tiến hành cày sâu để tăng chiều dày tầng canh tác, phơi ải để diệt cỏ dại, mầm bệnh trong đất, làm đất khô ráo, thoáng khí,… Rồi khi rau quả lớn hơn chút nữa, chị dùng tay nhổ cỏ chứ không dùng thuốc diệt cỏ vì sợ làm ô nhiễm môi trường đất, nước và đặc biệt là sức khỏe của con người. Chị nói: Cỏ dại có tác dụng của cỏ dại, nhưng đối với rau củ ngắn ngày thì nên được kiểm soát. Còn nhìn xa hơn, tôi muốn hướng tới môi trường sản xuất bền vững, tuyệt đối không có việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón thì chủ yếu dùng phân hữu cơ. Trong quá trình đó ta không mất mát gì cả mà còn được nhiều thứ trong tương lai như: đất ngày càng màu mỡ, giảm được lượng phân bón và nước tưới, môi trường cân bằng giúp giảm sâu bệnh hại, cây phát triển và sinh trưởng khỏe mạnh mà không cần phải can thiệp quá nhiều.
Nói là "không mất gì cả" nhưng với cách làm đó thì khoảng 2 năm đầu chị hầu như chưa thu lãi từ trang trại. Bởi thời gian sinh trưởng của cây kéo dài hơn và chi phí cũng bị đội lên phần nào. Hiện tại, rau quả của Việt Xanh hoàn toàn có thể cạnh tranh với nông sản sạch ở các địa phương khác, thậm chí là các nước khác về chất lượng sản phẩm. Và khi đến đây chúng tôi được khuyến khích ăn thử rau quả tươi như dưa chuột, xà lách, cà chua… mà không cần rửa và chưa sơ chế để cảm nhận tự nhiên nhất.
Được biết, ở đây cây rau màu các loại được gieo trồng hàng năm duy trì ổn định trên diện tích tập trung 6 ha, sản lượng 250-300 tấn/năm, gồm các nhóm rau ăn lá, rau gia vị ngắn ngày như hành lá, cải xanh, cải ngọt, cải trắng, cải thìa, xà lách, rau dền, mồng tơi, đậu cô ve, đậu đũa và nhóm rau, củ, quả trung, dài ngày như dưa lê, cà chua, bầu, bí,… với 2 hình thức canh tác trong nhà lưới và canh tác ngoài trời.
Chị Dung đến với nông nghiệp công nghệ cao từ những năm 2000. Khi nhận thấy trong xã Khánh Cư có nhiều nông dân không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, chị đã đứng ra thuê, tích tụ lại sau đó gây dựng nên Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh chuyên sản xuất cung ứng rau, củ, quả vào năm 2013. Lúc ấy chị phải đi vay mượn để đầu tư hàng tỷ đồng vào nông trại "công nghệ cao" - một thứ vẫn còn quá xa lạ với người dân nơi đây và được dự báo là "may ít, rủi nhiều". Chị nhớ lại: Sau sự đồng ý có vẻ "gượng gạo" của gia đình, tôi bắt đầu chặng đường mới của mình với suy nghĩ sống mà làm được cái mình say mê thì còn gì bằng, quan trọng là phải có ý tưởng và kế hoạch rõ ràng. Hơn nữa tôi là người con của quê hương, tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, giờ tôi lập trang trại để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại đây. Tôi muốn trả ơn vùng đất này "Tôi sẽ là nông dân 4.0".
Sau từng ấy năm "vật lộn", đến giờ chị đã có thể gia nhập hội "Những nông dân hữu cơ" và tiến tới sản xuất bền vững trong tương lai. Hiện nay, Công ty của chị đang có 6 ha sản xuất rau và 5 ha trồng cây ăn quả, trong đó có 6.000 m2 nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới tiêu tự động công nghệ cao. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư một hệ thống sơ chế, bảo quản bài bản, bao gồm: máy sục rửa, tủ sấy, tủ lạnh, tủ đông, máy hút chân không… Vào những lúc cao điểm của mùa vụ, ở đây thu hút tới 30-40 lao động địa phương với mức lương khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Nông sản của trang trại được thương lái đặt hàng trước cả tháng và thường xuyên có mặt ở các cửa hàng nông sản sạch tại nhiều thành phố lớn.
Có được thành công của ngày hôm nay, chị Dung nhắc nhiều đến sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành chức năng khi cho phép chị chuyển đổi đất trồng 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu. Chị khẳng định: Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Công ty mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Chị Dung cũng băn khoăn, ở đây không ít người dân bỏ vườn ra phố kiếm việc làm, hoặc đi làm công ty, nhưng sắp tới, khi mô hình đạt hiệu quả lớn hơn tôi muốn tổ chức cho người dân địa phương làm rau sạch theo mô hình của mình, được bao tiêu đầu ra. Tôi hy vọng người dân sẽ bám trụ, không bỏ đất hoang, phát triển kinh tế vườn để ổn định cuộc sống. Những ấp ủ ấy đang được chị cụ thể hóa từng bước bằng việc tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa nông trại của mình. Sắp tới chị sẽ đưa vào sử dụng nhà điều hành với hệ thống tưới tự động thông minh, điều khiển việc chăm sóc rau quả bằng smartphone… trị giá gần 2 tỷ đồng.
Từ câu chuyện của chị Dung mới thấy nông nghiệp 4.0 không hoàn toàn xa vời với nông dân nếu năng động, dám nghĩ, dám làm, bên cạnh đó là các chủ trương, chính sách hỗ trợ hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đào Duy