Dù bài tham luận của người thanh niên đó chỉ dài khoảng 2 trang viết tay nhưng người nghe cảm nhận được ở đó ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, rào cản cũng như khát khao về một cuộc sống bình dị, có ích… Chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuộc gặp gỡ với người thanh niên nghị lực đó. Anh là Phan Đức Thành - Trưởng nhóm "Vì ngày mai tươi sáng" của thành phố Ninh Bình.
Phóng viên (P.V): Trong tình hình hiện nay, khi nhận thức của xã hội về HIV/AIDS chưa đầy đủ, việc công khai: Tôi là người có HIV, anh có sợ sẽ gặp phải sự kỳ thị, xa lánh của mọi người?
Anh Phan Đức Thành: Trước khi có được sự công khai đó, tôi đã phải sống những tháng ngày hết sức đau khổ, vật vã. Nhưng khi đã xác định được tư tưởng, con đường cần phải đi thì việc công khai mình nhiễm HIV đã trở nên dễ dàng hơn. Nếu so sánh, tôi thấy cuộc sống của mình từ khi công khai nhiễm HIV dễ chịu hơn nhiều. Tôi không còn phải sống thu mình, sợ sệt, mọi người trong gia đình, hàng xóm, bạn bè cũng thông cảm và mở rộng vòng tay với mình hơn. Điều đó thôi thúc tôi phải làm những việc gì đó có ích cho mọi người, nhất là với những người có cùng cảnh ngộ. Tuy vậy, do nhận thức của nhiều người về HIV/AIDS chưa đầy đủ nên tình trạng kỳ thị người có HIV còn khá nặng nề, điều đó khiến cho việc xét nghiệm tự nguyện và công khai nhiễm HIV bị hạn chế, nhất là với những người có gia đình việc công khai với họ càng trở nên khó khăn, bởi họ vẫn phải đi làm kiếm sống, con cái họ cũng cần được đến trường.
P.V: Anh đã có nghị lực vượt qua chính mình và rào cản xã hội, điều anh muốn chia sẻ với người có cùng hoàn cảnh là gì?
Anh Phan Đức Thành: Tôi được sinh ra trong gia đình khá cơ bản, bản thân đã từng là sinh viên trường Đại học Giao thông - vận tải. Nhưng do ham chơi, lập trường tư tưởng không vững vàng, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo nên tôi đã sa chân vào ma túy. Vì nghiện ngập, tôi đành bỏ dở sự nghiệp, chia tay với giảng đường Đại học khi ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp đã đến gần. Hơn thế tôi còn bị nhiễm HIV. Về nhà, tôi trở thành kẻ sống lang thang, chui rúc và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Để có tiền hút chích, tôi đã tìm mọi cách, lấy đi mọi thứ, như anh trai tôi nói: "Từ vật chất đến tinh thần" của những người thân trong gia đình. Biết mọi người đã quá đau khổ vì mình nhưng tôi vẫn không đủ nghị lực đoạn tuyệt với ma túy. Trong 10 năm nghiện ngập, tôi đã 2 lần phải vào trại và tự cai ở nhà hàng chục lần, nhưng đến giờ tôi mới thành công. Thực sự cuộc sống của tôi hiện nay đã sang trang mới, tôi có rất nhiều dự định, nhưng để thành công tôi rất cần có sự giúp đỡ của mọi người. Còn với những người có cùng cảnh ngộ, tôi muốn nói với họ rằng: Hãy vững vàng, quyết tâm vượt qua khó khăn và bắt đầu cuộc sống bằng những việc làm tốt đẹp, như vậy cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn.
P.V: Anh có thể cho biết những việc anh đã làm và những dự định?
Anh Phan Đức Thành: Cách đây hơn 1 năm, sau những chuỗi ngày sống nhàm chán, tuyệt vọng, tôi đã chủ động tìm đến Trung tâm phòng, chống AIDS của tỉnh để được tư vấn về sức khỏe và mượn thêm sách, báo, tài liệu về đọc. Qua ti vi, sách, báo tôi được biết có rất nhiều tỉnh, thành đã thành lập nhóm "Vì ngày mai tươi sáng", ở đó những người có H họ sống rất vui vẻ, yêu đời, do đó tôi cũng nảy ra ý định thành lập nhóm của Thành phố Ninh Bình.
Sau 3 tháng hoạt động, nhóm của chúng tôi đã thu hút được 35 thành viên, trong đó có 25 nữ. Mỗi tháng nhóm sinh hoạt 1 lần. Đây thực sự đã là nơi để những người có H tụ họp, động viên, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống; hướng dẫn, phổ biến cho nhau cách chăm sóc sức khỏe, dùng thuốc ARV đúng cách, phòng, chống lây nhiễm ra cộng đồng.
Bản thân tôi cũng đang tham gia chương trình tiếp cận phát bơm kim tiêm sạch và thu hồi bơm kim tiêm bẩn về trạm y tế tiêu hủy. Tôi cũng đang nung nấu viết một cuốn sách dạng tự truyện nói về cuộc đời lầm lỡ của mình, mong sao cũng là bài học cảnh tỉnh cho những bạn trẻ.
Ngoài ra tôi còn muốn xây dựng một chương trình tuyên tuyền nhằm khuyến khích, động viên những người có hành vi nguy cơ hãy đi xét nghiệm HIV để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó biết cách phòng lây nhiễm cho người khác.
P.V: Việc tham gia các hoạt động xã hội chắc chắn đã đem đến cho anh nhiều cảm xúc. Có câu chuyện nào anh muốn kể?
Anh Phan Đức Thành: Mặc dù mới thành lập nhưng nhóm đã làm được khá nhiều việc. Ngoài việc duy trì đều nền nếp sinh hoạt, các thành viên trong nhóm còn thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ, chăm sóc nhau khi ốm đau, bệnh tật. Cách đây hơn 2 tháng, có thành viên trong nhóm nhà ở tận xã Kỳ Phú (Nho Quan) bị ốm phải nằm viện, mọi người đã thay nhau đến chăm sóc rất nhiệt tình. Khi anh ấy mất, gia đình rất bối rối, hàng xóm thì sợ sệt, đến viếng nhưng không dám lại gần, chúng tôi đã lên giúp gia đình khâm liệm và làm những công việc cần thiết khác, bà con thấy vậy cũng đỡ e ngại và đến chia buồn đông hơn. Cũng từ việc làm tình nghĩa của nhóm mà người anh trai của thành viên đã mất tình nguyện gia nhập nhóm với mong muốn làm cầu nối giữa những người nhiễm HIV với cộng đồng. Đây cũng là thành viên duy nhất của nhóm không có HIV.
P.V: Hiện tại anh mong muốn điều gì?
Anh Phan Đức Thành: Những việc tôi đang làm và cả những dự định của tôi đã nói lên tôi muốn gì. Nhưng trước mắt tôi muốn vận động được nhiều người nhiễm H tham gia sinh hoạt nhóm, tôi nhờ chị thông tin hộ số điện thoại của tôi để mọi người tiện liên hệ: 01234 151 255. Việc có đông người gia nhập nhóm đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người được giúp đỡ. Nhân đây tôi cũng muốn nói, nhóm của tôi phần lớn là phụ nữ, sống bằng nghề nông hoặc buôn bán vặt, 22/25 chị chồng đã mất, nhiều chị còn nuôi con nhỏ do đó cuộc sống hết sức khó khăn, vất vả. Tôi mong các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là Hội phụ nữ hãy quan tâm tạo điều kiện cho họ được vay vốn, học nghề, có việc làm.
Còn về hoạt động của nhóm, mọi chi phí hiện chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các thành viên, trong khi cuộc sống của họ cũng còn nhiều khó khăn, vì vậy chúng tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ phía cộng đồng, giúp những người có H thêm nghị lực, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
P.V: Xin cảm ơn anh!
Hà Trang (thực hiện)