Phóng viên (P.V): Hẳn ông vẫn còn nhớ những ngày đầu gia nhập Quân đội?
CCB Nguyễn Văn Cử: Sinh ra và lớn lên tại xã Gia Minh, huyện Gia Viễn- vùng đồng chiêm trũng nghèo khổ nhưng lại giàu truyền thống yêu nước, truyền thống ấy đã thôi thúc ngọn lửa đấu tranh trong lớp lớp thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ. Đặc biệt, sau chiến thắng của chiến dịch Quang Trung thì phong trào du kích Ninh Bình phát triển lên một bước mới, kết hợp với lực lượng võ trang đã anh dũng chiến đấu phá tan cuộc hành binh lớn "Hải Âu" của NaVa ở Tây Nam Ninh Bình.
Toàn tỉnh sôi sục khí thế "tất cả cho tiền tuyến", hàng ngàn thanh niên Ninh Bình xung phong nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 8 năm 1953, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 914, Tiểu đoàn 315- Trung đoàn 165, Đại đoàn 312- đơn vị hỏa lực mạnh nhất của bộ binh. Lúc đó, tôi được giao làm nhiệm vụ xạ thủ số 1, chiến sỹ bắn Bazôka, chuyên diệt xe tăng.
P.V: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đâu là trận đánh để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với ông?
CCB Nguyễn Văn Cử: Đối với tôi, trận đánh để lại nhiều kỷ niệm nhất là trận đánh đồi Độc Lập, một trận đánh gay go và ác liệt. Đồi Độc lập là một căn cứ quan trọng của địch vì đây là cửa ngõ vững chắc ở phía Bắc Điện Biên Phủ, có nghìn lính Bắc Phi tinh nhuệ. Căn cứ của địch được xây dựng vững chắc, có hàng rào nhiều tầng, nhiều lớp. Tiểu đoàn tôi đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu. 17h ngày 14-3-1954, những trọng pháo của ta bắt đầu bắn cấp tập vào đồi Độc Lập. Địch chống trả rất mạnh, giữa ta và địch diễn ra một trận pháo chiến dữ dội, đan thành một lưới lửa xung quanh đồi Độc Lập.
Vị trí đồi Độc Lập bốc cháy rừng rực, một kho đạn ở Mường Thanh cùng phát hỏa, đạn nổ vang trời. Đến 2h sáng ngày 15-3-1954, bộ binh chúng tôi được lệnh tấn công, phải vượt qua các lớp hàng rào dây thép gai của địch. Các hàng rào dây thép gai ấy được cấu trúc theo các kiểu, từ "bùng nhùng", "cũi lợn" dày đặc. Chúng tôi lại chưa có kinh nghiệm phá loại này, nên mỗi khi bộc phá nổ, hàng rào chỉ tung lên rồi hạ xuống, không đứt, trong khi đó hỏa lực của địch ở các lô cốt bắn ra rất ác liệt. Bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm, cuối cùng tôi và đồng đội cũng vượt qua được hàng rào của địch, quân ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngay sau đó, địch điều 1 Tiểu đoàn và 5 xe tăng từ Mường Thanh gầm rú yểm trợ cho bộ binh phản kích. Địch lợi dụng thế mạnh về đánh ban ngày để chiếm lại đồi Độc Lập. Quân ta đánh trả quyết liệt, địch tổn thất phải rút lui. Đến 7h sáng ngày 15-3-1954, quân ta hoàn toàn làm chủ vị trí đồi Độc Lập. Như vậy chỉ trong hai ngày quân ta đã tiêu diệt gọn 2 trung tâm đề kháng Him Lam và Độc Lập, tiêu diệt và bắt sống hai Tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của chúng.
Sau chiến thắng đợt một, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm chuẩn bị chiến đấu đợt hai. Đây là cả một thời gian cực kỳ gay go và gian khổ, chúng tôi phải ngày đêm đào chiến hào để thực hiện phương châm "Đánh chắc, tiến chắc" hạn chế thấp nhất thương vong.
Tất cả các trận đánh, trận nào cũng gay go, vô cùng ác liệt; máu, mồ hôi của biết bao chiến sỹ đã đổ xuống chiến hào, nhưng với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, mưu trí, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự táo bạo thiên tài của Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 55 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lập nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
P.V: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tiếp tục tham gia công tác trong Quân đội?
CCB Nguyễn Văn Cử: Năm 1955, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, năm 1958, tôi được phong quân hàm Thượng sỹ, giữ chức vụ Tiểu đội Trưởng tiểu đội 3, trung đội 3, Đại đội 914, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 32. Đến năm 1960, tôi được cử đi đào tạo kỹ thuật chỉ huy thông tin tại Trung Quốc (5 năm). Năm 1965, tôi về nước và lại tiếp tục cùng quân dân cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trực tiếp tham gia các chiến dịch: Mậu Thân 68; Đường Chín Nam Lào; 81 ngày đêm Quảng Trị, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong suốt cuộc đời quân ngũ và cho đến tận bây giờ, tôi luôn xác đinh cho mình dù ở cương vị, trách nhiệm, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện là một chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng 9 huân chương các loại, nhiều bằng và giấy khen khác. Trở về cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn động viên con cháu trong gia đình tích cực rèn luyện, lao động, học tập để trở thành những công dân tốt. Sau khi rời quân ngũ, tôi tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương và được bà con, đồng chí tín nhiệm giao trọng trách đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Trưởng phố, Bí thư chi bộ, Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB phường Vân Giang…
P.V: Trong không khí kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có nhắn nhủ gì cho thế hệ trẻ hôm nay?
CCB Nguyễn Văn Cử: Mặc dù thế hệ trẻ hôm nay không chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc trong chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng tôi hy vọng qua những trang sách, những nhân chứng lịch sử, thế hệ trẻ cũng cảm nhận sâu sắc được ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ mà bao thế hệ cha ông đã phải đổ máu và nước mắt để có được. Đó mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam.
Và tôi biết, chính điều này đã đặt trên vai thế hệ trẻ hôm nay trách nhiệm nặng nề, đó là phải sống, học tập và rèn luyện sao cho xứng đáng với cha ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng căn dặn: "Cần phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay". Vì thế, theo tôi thế hệ trẻ nói chung và mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nói riêng hãy tự tạo cho mình những thành tích trong công tác để mỗi người thực sự là một "chiến sỹ Điện Biên", góp phần khẳng định "tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ là bất diệt".
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đinh Ngọc (Thực hiện)