Xung quanh vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam.
PV: Xin bà cho biết, việc tăng giá điện theo phương án của EVN và Bộ Công thương vừa trình Chính phủ sẽ có tác động như thế nào trong tình hình kinh tế hiện nay? Bà Phạm Chi Lan: Trước hết tôi cho rằng chủ trương của nhà nước đưa một số mặt hàng trước đây quản lý vận hành theo cơ chế thị trường trong đó có xăng, dầu, điện, than thì về lâu về dài chủ trương đó hoàn toàn đúng đắn và chính xác. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng chung của kinh tế còn nhiều khó khăn thì việc đề nghị tăng giá điện là một mặt hàng thiết yếu sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới tất cả các ngành sản xuất khác nhau. Mục tiêu cao nhất là phải giữ cho các ngành sản xuất kinh doanh được ổn định, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi Chính phủ phải đề ra gói kích cầu để giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn thì một số ngành lại chỉ tính toán cho lợi ích riêng, tính giá và chi phí cao cho người tiêu dùng. Nếu ngành điện được chấp thuận tăng giá sẽ làm triệt tiêu đi việc kích cầu đồng thời có thể làm giá đầu vào một số mặt hàng khác cũng tăng theo, gây áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đối tượng khó khăn nhất trong xã hội hiện nay. Nên chăng cần xem xét lui lại vào thời điểm nền kinh tế đã khôi phục trở lại, khi đó các Bộ ngành sẽ cùng chung nhịp bước, điều đó sẽ giúp nền kinh tế hoạt động tốt hơn.
PV: Bà đánh giá thế nào khi phương án mà EVN trình tăng giá điện lại cao hơn của Bộ Công thương?
Bà Phạm Chi Lan: Ngành điện là ngành tập trung cao, duy nhất một mình EVN vận hành toàn bộ ngành điện nên điều đó sẽ khó tạo ra sự cạnh tranh. Ngay cả những người trước đây đã từng làm ở EVN mà muốn tham gia vào thị trường điện đều gặp khó khăn khi đàm phán với EVN, vì chỉ duy nhất có một người mua điện. Những người cung cấp còn lại đều thuộc EVN nên lúc nào EVN cũng ở thế thượng phong. Trong điều kiện như vậy mà nhà nước lại đang xem xét đề xuất của EVN và Bộ Công thương về việc thực hiện bán giá điện theo cơ chế thị trường, điều đó không thích hợp ở hai chỗ: Một là chúng ta chưa tạo ra sự cạnh tranh trong ngành điện, EVN vừa là người phát điện chính, vừa là đơn vị duy nhất làm truyền tải. Với tư cách là người duy nhất trên thị trường, EVN luôn ở thế khống chế và điều khiển thị trường. Theo tôi, EVN chưa có sự minh bạch về giá thành, nên khi trình phương án tăng giá điện, EVN đưa ra một con số để thuyết trình với nhà nước, nhưng người tiêu dùng lại không hề biết được căn cứ trên cơ sở nào để EVN tăng giá điện (từ 10 - 15% theo tin báo chí). Trong khi đó, phương án mà Bộ Công thương đưa ra dù thấp hơn (đề nghị tăng khoảng 8 -10%), nhưng vẫn còn ở mức cao.
Tuy vậy, ít nhất là mức giữa đơn vị quản lý nhà nước là Bộ Công thương và EVN đã có sự chênh lệch lớn, chứng tỏ về mặt giá thành của EVN nếu xem xét kỹ vẫn còn chưa hợp lý để làm cơ sở cho đề xuất tăng giá điện.
Thứ hai về mặt thị trường là chưa đầy đủ, chưa đầy đủ ở đây là chưa có cạnh tranh, chưa đảm bảo hoạt động mang tính minh bạch cao để giải trình cho việc tăng giá thành. Bất cứ sự tăng hay giảm giá đều phải căn cứ trên giá thành của mình. Ở Việt Nam, 50% sản lượng điện là được cung ứng bằng thủy điện. Thủy điện rẻ có thể bù cho điện sản xuất bằng than, bằng dầu, mà than và dầu đều là những nguyên liệu trong nước nên giá điện không cần thiết phải tăng lên mãi. PV: Dưới góc độ người tiêu dùng bà đánh giá thế nào về phương án tăng giá điện lần này? Bà Phạm Chi Lan: Tăng giá lúc này sẽ gây cho tôi một tâm lý xáo trộn, ngay lúc này đã phải thắt lưng buộc bụng. Còn những người thu nhập thấp sẽ rất khó khăn trong điều kiện hiện nay, khi mà giá cả, tiền lương, công ăn việc làm bấp bênh, rất nhiều người còn đang lo lắng không biết có giữ được chỗ làm việc hay không.
Thu nhập còn phải tính toán cho những tháng, những năm tới. Trong khi người lao động đang thắt chặt chi tiêu bằng mọi cách, ngành điện lại không phải là ngành gặp khó khăn mà lại định thu thêm tiền sẽ gây tác động lớn tới đời sống của họ. Lâu nay người tiêu dùng đã ủng hộ cho ngành điện và các ngành độc quyền rất nhiều, thực ra họ buộc phải ủng hộ với tư thế độc quyền như vậy, bởi cắt điện lúc nào thì người dân phải chịu lúc đấy, nhiều doanh nghiệp phải chịu hỏng các sản phẩm của mình do bị cắt điện mà không đòi hỏi được ai bồi thường. Tăng giá điện cũng vậy, người dân luôn tin vào bàn tay điều hành của Nhà nước, dung hòa được lợi ích của nhà cung cấp điện với người dân, cũng là đối tượng nộp thuế để lấy tiền đầu tư vào các ngành trong đó có ngành điện. Nên việc tăng giá cần có lộ trình và giải thích cụ thể cho người dân. Chính sách xã hội là của nhà nước, EVN không nên lấy việc làm chính sách xã hội để có thể áp giá cho người tiêu thụ điện cao. Việc hỗ trợ nên tách bạch ra, hỗ trợ cho người nghèo thì nhà nước hỗ trợ trực tiếp, còn tiền trả với tư cách người tiêu dùng thì nên có một mức giá như nhau. EVN là một đơn vị kinh doanh, nếu nói tăng giá để hoạt động theo thị trường thì cứ để họ hoạt động theo thị trường và để thị trường phân xử. PV: Xin cảm ơn bà
Theo Vietnam+