Nhằm khuyến khích người lao động tham gia học nghề và nâng cao trình độ, tay nghề, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động tham gia học nghề như: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 8/2/2018 về đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết số 44/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án số 27/ĐA-UBND ngày 22/12/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về bổ sung chính sách du học nghề vào Đề án số 12…
Cũng như hầu hết các cơ sở đào tạo nghề khác, công tác tuyển sinh luôn là thách thức lớn đối với Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Tuy vậy, theo ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Tổ chức hành chính nhà trường, trong vài năm trở lại đây, việc tuyển sinh của nhà trường đã có nhiều khởi sắc. Hầu hết các năm đều tuyển đủ số lượng học viên, nhất là học viên bậc học trung và sơ cấp.
Nguyên nhân, theo Trưởng phòng Tổ chức hành chính trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, đó là do nhận thức của xã hội về học nghề đã có sự thay đổi rõ rệt. Và một nguyên nhân quan trọng khác, đó là nhờ có những chính sách đặc thù rất thiết thực của tỉnh trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên khi tham gia học nghề.
Những chính sách hỗ trợ của tỉnh thực sự đã mang lại sự khởi sắc đáng kể cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Nhiều năm liền, nhà trường luôn tuyển đủ học viên đối với bậc trung và sơ cấp. Riêng bậc học cao đẳng, tỷ lệ tuyển sinh đạt từ 80-90% chỉ tiêu.
Với "lực đẩy" từ các chính sách hỗ trợ, công tác đào tạo nghề ở tỉnh ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bình quân mỗi năm đào tạo cho trên 17 nghìn lượt người, quy mô đào tạo tăng 1,02 lần so với nhiệm kỳ trước, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 41% năm 2015 lên 55% năm 2020 (bao gồm cả đào tạo nghề cho lao động nông thôn).
Không chỉ tăng về số lượng học viên, chất lượng công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ta cũng ngày càng được khẳng định, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/2/2018 của Tỉnh ủy về sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo dạy nghề, một số trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, hiện tại, tỉnh Ninh Bình chỉ còn 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp; 11 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Trung tâm giáo dục thường xuyên; 9 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn về đào tạo hiện nay là 97,5%.
Hoạt động đào tạo nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo ngành, lĩnh vực và vùng.
Ngoài ra, tỉnh ta còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (tổ chức các lớp đào tạo về quản trị doanh nghiệp; đào tạo kiến thức, kỹ năng về phát triển quan hệ đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan; bồi dưỡng cập nhật, phổ biến kiến thức về thuế và mở cửa thị trường…).
Nhờ đó, tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Qua đó, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhu cầu của thị trường lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm trong nước, đồng thời cung ứng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động, nhất là một số thị trường chất lượng khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu.
Hiện nay, có trên 4 nghìn lao động Ninh Bình đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hằng năm, số lao động trên mang lại nguồn ngoại tệ về cho địa phương tương ứng trên 800 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện giảm nghèo bền vững).
Từ những thành công trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và du lịch, dịch vụ.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 5 KCN, 11 CCN với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Dự báo từ ngành chức năng, nhu cầu về nguồn lao động tay nghề cao sẽ tăng lên đáng kể, khi lộ trình đến năm 2025, sẽ có thêm 14 CCN đi vào hoạt động.
Đặc biệt, trong giai đoạn mới này, tỉnh ta sẽ ưu tiên khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sử dụng lao động có tay nghề cao. Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải thuộc nhóm ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đóng góp ngân sách lớn và thực hiện tốt chế độ an sinh xã hội cho người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Như vậy, thời gian tới, khi các KCN, CCN sẽ được lấp đầy theo lộ trình và lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế trong thu hút đầu tư nữa thì mục tiêu quan trọng mà công tác đào tạo nghề tỉnh ta cần đạt đó là tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đưa được lực lượng lao động có chất lượng vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách hỗ trợ học nghề của tỉnh đã hết hiệu lực từ năm 2020. Thực tiễn này phần nào ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các nhà trường trong năm học mới này và những năm tiếp theo. Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đều bày tỏ mong muốn, tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu để ban hành các chính sách hỗ trợ tương tự, góp phần tạo đà cho công tác đào tạo nghề của địa phương vươn lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.
Bài, ảnh: Đào Hằng