Có thể coi đây là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong quá trình Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển chọn các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, và đặc biệt là gần ba nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi coi bài viết này đặt ở đầu tập sách là "sợi chỉ đỏ" trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, bởi lẽ:
1. Đây là công trình tổng kết lý luận - thực tiễn về văn hóa Việt Nam với tầm cao tư duy lý luận chiến lược và chiều sâu về hàm lượng trí tuệ.
2. Đây là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ về văn hóa kể từ ngày lập Đảng cho đến Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; tiếp đến là bài phát biểu của Bác Hồ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.1946; trong đó nổi bật tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ là "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
3. Trên cơ sở những luận điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích làm sáng rõ vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, coi đó là hồn cốt, là cội nguồn làm nên sự trường tồn của đất nước ta. Văn hóa còn thì dân tộc còn; văn hóa mất thì dân tộc mất.
4. Nhân dân là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là người phải được hưởng thụ văn hóa. Nếu giải quyết hài hòa hai vế đó, sẽ tạo ra sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn, mà những thành quả của 4 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay là minh chứng sinh động về sức mạnh của nhân dân trong thực thi nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
5. Hơn bao giờ hết, trước yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, cần làm tốt hơn nữa việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, mà những phẩm chất cao đẹp như lòng yêu nước, sống đoàn kết, nghĩa tình; tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong lao động và chiến đấu... sẽ là cơ sở tạo ra động lực to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
6. Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm tiên tiến của thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Tôi xúc động khi đề cập những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hành vi tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư rưng rưng tâm sự rằng, đó là sự chà đạp liêm sỉ, coi thường nhân dân, lợi dụng quyền lực để thỏa mãn lòng tham.
Vì vậy, Đồng chí nhấn mạnh điều căn cốt: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" của người cán bộ, đảng viên; nếu để mất niềm tin với Dân, là mất tất cả! Chúng ta trân trọng khi Tổng Bí thư chia sẻ điều tâm huyết tự đáy lòng: Trái tim người cộng sản "cần phải đập nhịp đập của đời sống, đập nhịp đập của nhân dân" thì mới có hành động cụ thể vì Dân, vì Nước...
Những ngày vừa qua, khi nhận tin Tổng Bí thư từ trần, nhiều tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đều ca ngợi Đồng chí là vị lãnh tụ sống và làm việc mẫu mực, liêm khiết, bình dị, gần gũi quần chúng, trọn đời vì Nước, vì Dân... Tôi coi đó là biểu hiện cụ thể của một nhà văn hóa đích thực Nguyễn Phú Trọng, đã sống và làm việc với phong cách văn hóa đến hơi thở cuối cùng!
PGS.TS. NGUYỄN HỒNG VINH
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân)