Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thành phố Ninh Bình như: Đường 10, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Hải Thượng Lãn Ông… rất dễ nhận ra các "shop" thời trang trên vỉa hè với các mặt hàng phong phú từ quần áo, giày dép đến mũ thời trang, túi xách… Biểu hiện của các "shop" thời trang này là người bán chỉ cần một khoảng vỉa hè rộng chừng 3-5 m2 là có thể bày bán được các mặt hàng. Vị trí để các chủ "shop" lựa chọn thường là những nơi có độ thông thoáng và đông người qua lại để dễ bắt mắt các "thượng đế".
Chúng tôi đã "thực mục sở thị" trên tuyến đường 10 và nhận thấy chỉ chừng chưa đầy 3km từ cầu vượt Thanh Bình đến ngã tư Ninh Sơn (gần siêu thị Big C) đã có tới hàng chục "shop" thời trang di động với đa dạng các mặt hàng. Đặc biệt, khi thời điểm Tết Nguyên đán cận kề cùng với thời tiết rét đậm, khiến các "shop" áo rét đua nhau mọc lên. Chị Trần Thị Thanh ở phường Nam Bình cho biết, dù biết chất lượng của sản phẩm không cao nhưng vì mẫu mã phong phú, giá cả phải chăng, chỉ từ 170.000 - 250.000 đồng là đã có thể mua được một chiếc áo phao ấm áp. Với mức giá như vậy rất phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình nên từ đầu mùa đông đến nay, chị đã mua trên 5 chiếc áo phao cho chị và những người thân trong gia đình. "Thế là Tết này, con trẻ, người già đều có áo đẹp để diện"- chị Thanh cười vui nói.
Bắt chuyện với một chủ "shop" thời trang di động trên tuyến đường 10, chúng tôi được bà cho hay, bà tên Thắng, quê ở Yên Khánh. Từ 3 năm nay, nhận thấy việc buôn bán quần áo trên vỉa hè khá suôn sẻ, bà và các con đã đầu tư, lấy hàng quần áo từ chợ Nhà Xanh (Hà Nội) về đây bán hàng "đống" (đổ đống quần áo). Để phục vụ nhu cầu của khách, các mặt hàng của bà liên tục thay đổi theo mùa, ví dụ mùa đông thì bà bán chủ yếu là áo phao nam- nữ, còn mùa hè thì quần áo trẻ con. Sản phẩm của bà bày bán là hàng Việt Nam nên được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng. Những ngày qua, do thời tiết lạnh nên mặt hàng áo phao bán rất "ăn" khách. Trung bình mỗi ngày bà bán được 40-50 chiếc áo phao nam - nữ. Các "thượng đế" phần lớn là sinh viên, người lao động có thu nhập từ thấp đến trung bình nên mỗi chiếc áo, bà chỉ lấy lãi 15-20.000 đồng. Tuy vậy, do thu hút được lượng lớn khách mua hàng nên bà cũng kiếm được 600-800.000 đồng tiền lãi/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không chỉ bày bán ban ngày, các "shop" thời trang vỉa hè còn hoạt động vào cả các buổi tối. Đơn cử như các điểm bán hàng ở khu vực chợ gần bệnh viện Sản - Nhi thường tấp nập kẻ mua- người bán vào mỗi tối. Cũng chẳng biết từ khi nào, những ki ốt này được người dân gọi là chợ đêm sinh viên. Tại đây, chỉ cần 50.000 đồng, khách hàng có thể lựa chọn được rất nhiều sản phẩm như túi đựng điện thoại, ví tiền, túi da thời trang, khăn, găng tay, tất, mũ….
Tương tự, trên trục đường Hải Thượng Lãn Ông, các điểm bán giày dép cũng tấp nập khách đến mua hàng, nhất là khoảng 7-8 giờ tối. Những ngày cuối năm là thời điểm "ăn nên làm ra" nhất nên các chủ "shop" cũng chuẩn bị đầy đủ nhiều chủng loại hàng hóa để phục vụ các "thượng đế" với mức giá bình dân từ 50 đến 100.000 đồng mỗi đôi.
Những sạp hàng trên vỉa hè thường bán với giá khá rẻ so với các mặt hàng được bày bán trong siêu thị, "shop" thời trang vỉa hè do đó rất "hút" khách. Tuy hàng hóa vỉa hè thường là hàng gia công, không có xuất xứ, nhãn mác rõ ràng… nhưng những cửa hàng di động này vẫn tồn tại và mọc lên ngày một nhiều, tạo việc làm và tăng thu nhập cho không ít người dân. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn khách hàng là sinh viên, công nhân, người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn. Song, trên thực tế, những loại hàng này được bày bán theo thời vụ, nhất là mỗi khi chuyển mùa nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ người tiêu dùng bị móc túi vì chất lượng. Và cũng vô hình chung tiềm ẩn mối nguy cơ gây mất an toàn giao thông vì hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của cả chủ "shop" và người mua hàng.
Mai Lan