Nhân ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" (7-4), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với thầy thuốc ưu tú Phạm Minh Huy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh để hiểu thêm về phong trào hiến máu tình nguyện ở tỉnh Ninh Bình.
P.V: Xin đồng chí cho biết về những kết quả đạt được trong phong trào hiến máu tình nguyện ở tỉnh ta những năm gần đây? Đ/c Phạm Minh Huy: Phong trào hiến máu tình nguyện ở Ninh Bình được duy trì từ nhiều năm nay, tuy số lượng máu hàng năm thu gom được chưa nhiều nhưng đã góp phần cung cấp cho các cơ sở y tế trong tỉnh và Trung ương những đơn vị máu để cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, năm 2009 với việc phát động chiến dịch "Giọt hồng Hoa Lư" đã huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện với kết quả thu được hơn 1.000 đơn vị máu, đã tạo hiệu ứng xã hội đặc biệt, làm dấy lên phong trào hiến máu tình nguyện sôi nổi, rộng khắp. Kể từ đó đến nay, năm nào Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh cũng tổ chức được các đợt hiến máu tình nguyện, góp phần đáp ứng nhu cầu máu trong cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh cũng như Trung ương, đó là chiến dịch "Lễ hội xuân hồng" vào dịp sau Tết Nguyên đán và chiến dịch "Những giọt máu hồng" vào dịp hè là những thời điểm mà nhu cầu về máu của các cơ sở y tế hết sức cần kíp. Như năm 2010 toàn tỉnh đã thu gom được 2.485 đơn vị máu. Từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 2 đợt hiến máu tình nguyện ở Trường Cao đẳng y tế Ninh Bình và huyện Nho Quan, thu hút trên 1.300 tình nguyện viên tham gia, thu gom được 747 đơn vị máu, cung cấp kịp thời nguồn máu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện Trung ương.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ và không muốn tham gia hiến máu tình nguyện. Về vấn đề này, đồng chí có suy nghĩ như thế nào?
Đ/c Phạm Minh Huy: Hiện nay phong trào hiến máu tình nguyện mới chỉ tập trung ở khu vực thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, chưa lan rộng tới các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đối tượng tích cực tham gia hiến máu hiện nay vẫn chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang. Nhiều người dân, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước vẫn đang đứng ngoài cuộc. Sự thờ ơ như vậy là do nhiều người còn chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo, còn cho rằng hiến máu là ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến một nguyên nhân quan trọng nữa khiến phong trào hiến máu tình nguyện chưa thực sự phát triển sâu rộng là do vẫn còn một số địa phương, đơn vị còn xem nhẹ hoạt động này, cho đó là "chuyện riêng" của Hội Chữ thập đỏ, của Đoàn thanh niên, của ngành Y tế nên chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.
P.V: Để hành động hiến máu cứu người trở thành một phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, với cương vị là một bác sỹ, đồng chí có điều gì muốn chia sẻ?
Đ/c Phạm Minh Huy: Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động hiến máu tình nguyện, từ năm 2000 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7-4 hàng năm là ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện". Từ đó đến nay, cuộc vận động hiến máu tình nguyện đã được dấy lên và lan rộng. Đảng, Nhà nước, ngành Y tế luôn ghi nhận và tri ân đến những người đã hiến máu tình nguyện, chia sẻ sự sống của mình với đồng loại thông qua hành động mang đậm ý nghĩa "Sẻ giọt máu hồng, trao niềm hy vọng". Thông qua cuộc trao đổi này, điều mà cá nhân tôi muốn chia sẻ là: Để có nhiều hơn nữa niềm hy vọng cho sự sống, sức khỏe của người bệnh, hạnh phúc của mỗi gia đình, của cộng đồng, mỗi chúng ta hãy một lần tham gia hiến máu.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)