Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính tổ chức sáng 21/11.
Từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chúng ta đang bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, việc đẩy mạnh và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.
Ngay từ đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng, ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, giải pháp xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các giao dịch điện tử, giao dịch số trên môi trường mạng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử…
"Những nỗ lực, kết quả trong xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số trong suốt những năm vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả là 8 năm liên tiếp từ 2013 đến nay Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Những kết quả, thành tích đó của ngành Tài chính trong những năm vừa qua có sự đóng góp rất lớn và hết sức quan trọng của ngành Thuế", Bộ trưởng khẳng định.
Bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số
Đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Tài chính xây dựng lộ trình và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định; Giai đoạn 2 từ tháng 4 đến tháng 7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Đồng thời, ngành Thuế cũng đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế; trong đó đã cắt giảm được 194 thủ tục hành chính thuế, giảm từ 498 thủ tục xuống còn 304 thủ tục và đã tích hợp 150 thủ tục lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Là một trong sáu địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác triển khai hóa đơn điện tử ngay trong giai đoạn 1, chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong giai đoạn vừa có 99% doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội thông báo phát hành hóa đơn điện tử. Với những lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại, đây không chỉ là công việc của cơ quan Thuế mà còn là công việc chung của các cấp, bộ ngành liên quan trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, Thủ đô Hà Nội đã ở trạng thái sẵn sàng cho việc kích hoạt hóa đơn điện tử. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp để triển khai hóa đơn điện tử.
Tương tự, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thành lập ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử để tập trung chi đạo triển khai nhiệm vụ này. Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, chúng tôi cũng đã rà soát chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, giải pháp triển khai, tăng cường côn tác tuyên truyền hướng dẫn, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử. Đây là khâu quan trọng, là điều kiện để triển khai thành công. Song song với đó, ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp để săn sàng tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai.
Hướng tới mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định những nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của Bộ Tài chính và của ngành Thuế trong tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế sổ, xã hội số.
Theo Phó Thủ tướng, hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm quản lý thu và bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước, việc tổ chức Hội nghị công bố và kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, toàn ngành Thuế và sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh việc đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Tài chính, ngành Thuế trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác tài chính - ngân sách nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều việc cần phải làm.
Phó Thủ tướng đề nghị, ngành Tài chính, ngành Thuế nói riêng và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói chung cần có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ngành Tài chính, ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
"Hội nghị hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022.", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Minh Phương/Đảng Cộng sản