Phóng viên: Thưa ông, hẳn là những ký ức nước Nga xa xôi vẫn đọng lại trong ông dù thời gian trôi đi đã khá lâu rồi. Kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất về những ngày sinh sống và học tập ở nước bạn ?
Ông Trần Quang Hiển: Hơn 30 năm đã qua nhưng những ký ức, kỷ niệm về nước Nga trong tôi vẫn đầy ắp và còn nguyên vẹn như ngày nào. Bởi nước Nga quá tuyệt vời trên cả phương diện thiên nhiên, địa lý, xã hội và con người. Thiên nhiên Nga lộng lẫy, kỳ thú, phong cảnh tuyệt vời, nhất là mùa thu lá vàng, mùa đông tuyết trắng. Còn xã hội, thời điểm đó đang ở giai đoạn Chủ nghĩa xã hội phát triển. Chúng tôi-những sinh viên Việt Nam, đất nước vừa trải qua chiến tranh, trước những đổ nát đau thương và mất mát, đời sống đang gặp rất nhiều khó khăn, nên được sống và học tập ở một xã hội Xô-Viết như thế quả thật tuyệt vời. Lúc ấy chúng tôi đều có chung nhận xét: "Đây là thiên đường của CNXH ", là ước mơ khao khát của mọi người.
Tôi nhớ rất rõ tháng 8 năm 1980, chúng tôi đặt chân lên đất nước Nga vào độ chớm thu. Xuống máy bay mà như thấy mình đang còn trong giấc mơ: Không gian nhuộm vàng rực rỡ, vàng của lá cây, vàng của những đỉnh chóp nhà thờ, vàng của những cung điện nguy nga, tráng lệ. Thành phố nhộn nhịp, đông vui. Nhà cao tầng san sát, phố sá hun hút thẳng hàng, tất cả thể hiện nét văn minh, hiện đại. Con người ai cũng cởi mở, hồ hởi, lịch sự. Những hình ảnh đó đã cho chúng tôi một cảm giác sững sờ, ngợp tràn trong bầu không khí của thiên đường chủ nghĩa xã hội .
Chúng tôi học tại Trường Đại học văn hóa công đoàn Liên Xô (cũ) tại thành phố Lêningrat (nay là thành phố Sanhpetecbuerg). Lúc bấy giờ chúng tôi đều là những cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc được chọn sang học và đều phải thi văn hóa, học tiếng Nga một năm. Thế mà sang đó vẫn còn bỡ ngỡ lắm. Có lần tôi đi học về, dọc đường khát nước quá, xuống ô tô búyt đứng ở tủ nước ven đường, loay hoay lục ví tìm đồng xu lẻ bỏ vào tủ để mua cốc nước. Tìm mãi không có, bỗng dưng có một em học sinh chừng bảy, tám tuổi, vai quàng khăn đỏ đứng trước mặt tôi, tay xòe ra đồng xu đưa cho tôi và nói: "Chú ơi, xu đây nè". Tôi cảm động quá, cám ơn cháu bằng tiếng Nga, cháu nhìn tôi trìu mến, rồi hướng dẫn cho tôi cách bỏ tiền vào máy và ấn nút lấy nước một cách rất tận tình và vui vẻ. Lần đầu tiên tôi nhận được tình cảm gần gũi, thân thiết từ một thiếu niên Nga. Đất nước và con người Nga - quê hương của Cách mạng Tháng Mười tuyệt vời như vậy đấy. Ký ức đó sống mãi trong tôi đến tận bây giờ.
Phóng viên: Thưa ông, những kiến thức, phong cách sống học được từ những người thầy, bạn bè Nga được ông vận dụng vào cuộc sống và quá trình công tác như thế nào?
Ông Trần Quang Hiển: Đất nước Nga, con người Nga, tâm hồn Nga đã ở trong tôi ngay từ những ngày đầu đến học. Chúng tôi học Văn hóa-Công đoàn, thuộc ngành khoa học xã hội-nhân văn. Trường lại ở ngay thành phố mang tên Lê-nin, nay là Sanhbeteburg. Thành phố đó là cái nôi của Cách mạng tháng Mười, nơi sinh ra nhiều nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn và nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Thành phố đẹp tuyệt vời, có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nước Nga và của cả thế giới như Cung điện mùa đông, Cung điện mùa hè, Tượng Pi-ốt Đại đế... Thành phố còn nằm bên cạnh sông Nê-va hữu tình và thơ mộng, vẫn còn nguyên bảo tàng áprô- ra (bảo tàng chiến hạm Rạng Đông) đó là chiếc tàu thủy đã phát hỏa, nã súng vào cung điện mùa đông, hiệu lệnh cho toàn thể dân tộc Nga đứng lên làm nên thành công Cách mạng Tháng Mười, dựng nên chính quyền công nông đầu tiên trên thế giới. Mảnh đất ấy quật cường gan dạ, trở thành tấm gương sáng chói cho con đường độc lập dân tộc của toàn nhân loại. Mảnh đất ấy cũng là nơi hình thành nên nhân cách con người mới XHCN, con người có văn hóa trong thời đại ngày nay.
Kiến thức Nga và những người thầy, người bạn, người đồng chí Nga, cộng với cuộc sống thực tiễn Nga đã cho chúng tôi đầy đủ về một nền văn hóa Nga, tâm hồn Nga, đạo đức Nga. Đó là tinh thần yêu nước, dám hy sinh vì Tổ quốc, sống thủy chung với bạn bè. Đặc biệt là có lòng vị tha và tinh thần quốc tế cao cả, trong đó tính nhân văn, lòng tự tôn dân tộc rất được đề cao… Những phẩm chất tốt đẹp đó là hành trang cho chúng tôi mang về góp phần phục vụ cho quê hương, đất nước.
Phóng viên: Hiện nay, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nga tỉnh Ninh Bình, ông có thể cho biết, Hội đã có những hoạt động gì để kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga?
Ông Trần Quang Hiển: Hàng năm, cứ đến ngày Cách mạng Tháng Mười, những người như chúng tôi, được ăn học, được nhận kiến thức từ đất nước Xô Viết vĩ đại, nay là nước Nga càng bồi hồi tha thiết nhớ về mảnh đất, con người nơi ấy. Bởi ai trong chúng tôi - những người từng sinh sống, học tập, lao động, công tác tại nước Nga đều có những kỷ niệm thiêng liêng gắn bó tại nơi ấy. Do vậy, hàng năm, cứ đến ngày Cách mạng Tháng Mười là chúng tôi lại tập trung, tề tựu, gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm những tháng ngày học tập và sinh sống ở bên đó. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" - đó là truyền thống tốt đẹp của những người Việt Nam và lòng tri ân đậm đà của chúng tôi vẫn luôn hướng về nước Nga yêu dấu. Đầu năm 2014, chúng tôi mới thành lập và Đại hội lần thứ nhất chi hội Việt Nga tỉnh Ninh Bình. Chi hội là nơi giao lưu, bày tỏ tình cảm của những người Ninh Bình đã có thời gian sinh sống, học tập và công tác tại Liên Xô trước đây, để chúc nhau mạnh khỏe, động viên nhau công tác tiến bộ, cùng thông tin cho nhau về thời sự trong nước và tình hình Liên bang Nga.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh (thực hiện)