Chúng tôi đến thăm gia đình em Vũ Minh Nhất, ở thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô) vào tháng cuối cùng của năm 2017. Gọi là "gia đình", chứ thực ra chỉ có mình em Minh Nhất ở trong ngôi nhà tuyềnh toàng ấy. Nhỏ thó so với cái tuổi 14, song Nhất khá nhanh nhẹn, già dặn và đặc biệt là đôi mắt đượm buồn. Nhất kể, năm ngoái, vào mùa trăng sáng nhất thì mẹ em ra đi, để lại mình em trong cuộc đời này. Em không có bố, vì vậy mà mẹ đã làm hết mọi việc để nuôi em ăn học mặc dù mẹ luôn bị bệnh động kinh hành hạ. Người ta bảo, số khổ thì đến chết cũng khổ. Ngày mẹ mất, cả làng trên, xóm dưới ai nấy đều xót xa. "Đó là một ngày sắp đến Tết Trung thu, buổi sáng hôm ấy mẹ chuẩn bị cho em đi học rồi mẹ đi bắt ốc như thường lệ. Cả hai mẹ con đều vui lắm, mẹ hứa nếu bắt được nhiều ốc mẹ sẽ mua cho em bộ quần áo mới để đi vui trung thu với các bạn. Nhưng rồi buổi chiều hôm đó mẹ không về. Cả xóm đổ đi tìm mà không thấy mẹ em đâu, đến sáng hôm sau, người ta phát hiện mẹ đã chết ở một con mương nhỏ ở rìa làng… Có lẽ, vì cố gắng để mua cho con bộ quần áo mới, một chiếc đèn lồng cho bằng chúng bạn mà mẹ đã bị cơn động kinh làm gục ngã… Đó là một mùa trăng đen tối nhất trong cuộc đời em"- Minh Nhất chia sẻ, cặp mắt em nhòa lệ.
Kể từ đó, Minh Nhất sống một mình trong căn nhà tuềnh toàng nhưng đầy ắp kỷ niệm về người mẹ tảo tần. Mỗi tháng, em được nhận khoản trợ cấp 400 nghìn đồng, số tiền ít ỏi ấy được em chắt chiu và chi tiêu vào những việc thực sự cần thiết và những bữa ăn đạm bạc. Từ ngày mẹ mất, Nhất chẳng có ai gọi em dậy sớm, vì vậy mà em dần bỏ thói quen ăn sáng. Cứ khi nào nghe tiếng các bạn í ới rủ nhau đi học thì em cũng dắt xe đạp ra để tới trường. Minh Nhất bảo, cuộc sống một mình rồi cũng dần quen, nhưng khoảnh khắc cô đơn nhất đối với em chính là những ngày Tết cổ truyền. Vào dịp lễ tết, khi mọi gia đình đều hạnh phúc, quây quần bên mâm cỗ đoàn viên, trái tim em lại se sắt. Thương mẹ và thương cả cho mình. Nhiều đêm giật mình thức giấc, em thấy mình thật cô đơn… Nhưng có lẽ, hoàn cảnh đã giúp Nhất sống độc lập và giàu nghị lực. Em quyết tâm phải đến trường và học thật tốt để báo hiếu mẹ.
Cuộc sống của Vũ Minh Nhất và nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khác đã thực sự thay đổi khi em tham gia vào CLB "trẻ em mồ côi huyện Yên Mô". Tham gia vào CLB, các em không chỉ được trang bị những kiến thức về công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi cả cha và mẹ mà các em còn được trang bị những kỹ năng sống cơ bản, qua đó, giúp các em lấy lại sự dạn dĩ, tự tin trong cuộc sống. Thông qua các buổi tọa đàm, các em được tự do bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình, trên cơ sở đó, Ban chủ nhiệm CLB chọn lọc, tập hợp những ý kiến đó để đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng. Đối với những học sinh cuối cấp, các em được tư vấn chọn nghề, chọn trường cho phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội. Em Trịnh Thanh Loan ở xã Khánh Thịnh cũng là một hội viên tích cực tham gia sinh hoạt ở CLB. Em Loan chia sẻ: Sinh hoạt ở CLB, em được gặp gỡ và chia sẻ với những người bạn dù ít tuổi hơn hay có hoàn cảnh khó khăn hơn song các bạn vẫn vững vàng trong cuộc sống. Nghị lực vươn lên của các bạn đã giúp em tự tin hơn rất nhiều. Em cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp, chan chứa nghĩa tình. Bây giờ, ngoài giờ học, em còn nhận thêm hàng thêu về làm thêm. Vừa là giải trí, lại vừa có thêm thu nhập phục vụ cho việc học.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm CLB "trẻ em mồ côi huyện Yên Mô" cho biết, CLB được thành lập từ năm 2003. Ngày đầu mới thành lập, CLB có 13 cháu. Có thời điểm, số hội viên đã tăng lên gần 80 cháu. Nhưng nay nhiều cháu đã trưởng thành, có gia đình và hạnh phúc riêng nên CLB chỉ còn 14 cháu. Không chỉ lặn lội tìm đến các hoàn cảnh khó khăn, những người phụ trách CLB còn đứng lên kêu gọi, vận động học bổng. Điều đáng mừng là với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của CLB, thời gian qua không ít các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm từ trong và ngoài huyện đã đồng lòng ủng hộ. Sự chia sẻ, đóng góp không chỉ dừng lại ở những người thành đạt, chương trình còn được đón nhận những khoản đóng góp thắp sáng ước mơ cho học sinh mồ côi từ những người lao động bình thường. "Đây là nguồn động viên hết sức có ý nghĩa và thiết thực đối với các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm luôn được chúng tôi trân trọng và xác định phải sử dụng sự giúp đỡ này một cách hiệu quả nhất. Theo đó, chúng tôi cùng với nhà tài trợ trao tiền, quà đến tận tay các cháu vào dịp lễ, Tết, hoặc trước thềm năm học mới… Trong nhiều năm qua, nhờ sự động viên, quan tâm kịp thời của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã giúp cho hàng trăm cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, nhiều cháu giờ đây đã thành đạt và lại tiếp tục có những đóng góp trở lại với các thế hệ tiếp theo" - ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm CLB cho biết.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng