Chị Nguyễn Thị Tự, Chủ nhiệm CLB doanh nhân nữ tỉnh cho chúng tôi biết: Là một tổ chức tự nguyện, trong 5 năm qua, CLB đã thu hút đông đảo sự tham gia của các cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp là nữ thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Phương châm hoạt động của CLB là: Bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, cung cấp thông tin và tình hình kinh tế, khoa học công nghệ trong nước và thế giới cho hội viên; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý và những thông tin công nghệ mới nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo điều kiện để tăng cường tiếp xúc và hiểu biết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh; góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ làm việc trong khối doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, hội viên đã lựa chọn những hướng kinh doanh đúng đắn, phù hợp với năng lực bản thân, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Với nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư toàn diện, các doanh nghiệp đều có tiêu chí tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 - 15%/năm, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 20%/năm. Các doanh nghiệp đều hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động với mức lương bình quân từ 1,5 - 5 triệu đồng /tháng. CLB hiện có 46% doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ - thương mại; 44% doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; 10% doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng. Nhiều sản phẩm hàng may, hàng thêu tay, hàng thủ công mỹ nghệ của các doanh nghiệp trong CLB đã đứng vững trên thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Hà Lan...
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp nữ đã mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, chất lượng cao. Đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường sinh thái. Hầu hết các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả đều tự xây dựng cho mình nét văn hóa doanh nghiệp, ứng xử văn minh lịch sự và thân thiện với khách hàng. Quyền lợi của người lao động được quan tâm. Các tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, ban nữ công được tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều nữ doanh nghiệp còn tích cực làm tốt công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo.
Công tác phát triển hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CLB. Tham gia sinh hoạt dưới "mái nhà chung", hoạt động của CLB đã đảm bảo lợi ích cho tất cả các thành viên. CLB thực sự là nơi chia sẻ, tâm sự, là cầu nối giữa các doanh nghiệp nữ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lúc gặp khó khăn. Trong nhiệm kỳ, CLB đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức cho hội viên tham dự các cuộc hội thảo với các cơ quan chức năng, các sở, ban, ngành trong tỉnh nhằm phản ánh, đề xuất, kiến nghị với các cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nữ hoạt động; tổ chức cho hội viên tham gia các diễn đàn, hội thảo, triển lãm trong nước để hợp tác đầu tư, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp. Một số hội viên trong CLB được Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức đi tham quan khảo sát thị trường một số nước để tìm cơ hội hợp tác đầu tư.
Theo chị Nguyễn Thị Tự, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp hội viên trong CLB đều đảm nhận mô hình kinh doanh vừa, nhỏ và cực nhỏ, còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, tiếp cận nguồn công nghệ thông tin, năng lực cạnh tranh còn yếu. Đây là điều bất cập cho hội viên trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO; Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; xu thế hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp.
Ngọc Minh