Bị khuyết tật bẩm sinh, cô gái trẻ Phạm Thị Hà ở Yên Khánh luôn mặc cảm với khiếm khuyết của cơ thể. Sự mặc cảm ấy là trở ngại để chị Hà không muốn đến trường và ngại hòa đồng với chúng bạn. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt, lẽ nào cứ mãi sống nhờ sự bao bọc, động viên của gia đình? Bố mẹ rồi sẽ già đi và không thể ở cùng tôi mãi, nếu không tự đứng lên làm chủ cuộc sống thì cuộc đời của tôi sẽ đi về đâu?.
Như "ngộ" ra lẽ sống, tôi thấy phấn chấn hơn hẳn. Tôi bắt đầu tìm tòi qua sách báo, qua mạng Internet những thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật. Đặc biệt, tôi tìm kiếm những tấm gương về nghị lực của những người khuyết tật… để làm động lực cho sự phấn đấu của mình"- Chị Hà chia sẻ.
Hành trình lấy lại niềm tin vào cuộc sống của chị Hà không đơn độc, chị Hà đã tìm đến những người phụ nữ cùng cảnh ngộ ở cùng quê để làm nơi chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Dần dần, chị tập hợp được 7 chị em khuyết tật ở huyện Yên Khánh và thành phố Ninh Bình để cùng tham gia trao đổi, giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhóm đã vận động chị em tham gia hoạt động giao lưu đón lễ Noel dành cho cộng đồng người khuyết tật các tỉnh phía Bắc tại nhà thờ thành phố Thái Bình. Sau khi tham gia hoạt động xã hội đó, đã thúc đẩy nhóm thực hiện ý tưởng thành lập một chi hội người khuyết tật là nữ của tỉnh Ninh Bình để có thể tập hợp nhiều chị em khuyết tật cùng sinh hoạt trong một "mái nhà chung".
Chị em đã mở rộng thành viên, từ một nhóm có 7 người đã phát triển thành CLB và lấy tên CLB Phụ nữ khuyết tật Tràng An Ninh Bình. Chị em trong CLB tự nguyện đóng góp, tổ chức sinh hoạt thường kỳ và thăm hỏi, động viên gia đình người khuyết tật gặp khó khăn. CLB cũng thường xuyên được Hội Người khuyết tật tỉnh tạo điều kiện cho tham gia các hội thảo, tâp huấn nhằm nâng cao năng lực về quản lý và hoạt động trong công tác hội.
Đến nay, CLB đã thu hút trên 60 hội viên ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Và trước nguyện vọng của các hội viên, Hội Người khuyết tật tỉnh đã đồng ý cho thành lập Chi hội phụ nữ khuyết tật tỉnh, mà hạt nhân nòng cốt là các thành viên trong CLB Phụ nữ khuyết tật Tràng An Ninh Bình.
Bà Nam Thị Tơ năm nay 57 tuổi. Bà Tơ là trưởng nhóm người khuyết tật của xã Đông Sơn thành phố Tam Điệp gồm 7 người là nữ. Nhóm khuyết tật của Bà Tơ cũng là một trong những nhóm đầu tiên đăng ký tham gia vào Chi hội phụ nữ khuyết tật tỉnh. Bà Tơ chia sẻ, cùng là người khuyết tật nên là hiểu tâm tư, suy nghĩ của những phụ nữ cùng cảnh ngộ. Vì khiếm khuyết của cơ thể nên số đông chị em mặc cảm, tự ti dẫn tới bị động trong cuộc sống.
Bởi vậy, khi được tham gia vào một tổ chức mà các thành viên có cùng cảnh ngộ thì chị em sẽ có thêm cơ hội để mạnh dạn tham gia các hoạt động do Hội Khuyết tật tỉnh và địa phương tổ chức, từ đó tạo niềm tin, niềm lạc quan trong cuộc sống. Đặc biệt, để hòa nhập thì giải pháp quan trọng là người khuyết tật phải có việc làm, thu nhập để tự nuôi sống bản thân. Theo đó, nhóm đã phát triển tốt nghề chẻ và bán tăm. Nguồn thu cho mỗi thành viên đạt trên 2 triệu đồng/tháng.
Chị Phạm Thị Hà, Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật nữ tỉnh chia sẻ, Chi hội ra đời sẽ trở thành ngôi nhà chung cho phụ nữ khuyết tật, là nơi họ tìm thấy niềm tin vào cuộc sống. Khi tham gia vào sinh hoạt ở Chi hội, các hội viên sẽ được cung cấp các kiến thức về các vấn đề cơ bản như: chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; kinh nghiệm trong xây dựng hạnh phúc gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; tìm hiểu kỹ về Luật Hôn nhân, Luật Bình đẳng giới và các quy định của Nhà nước đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng…
Đặc biệt, để các hội viên có cơ hội vươn lên hòa nhập cuộc sống thì vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Chi hội sẽ tiến hành khảo sát tình trạng khuyết tật, thực trạng sức khỏe và nhu cầu học nghề của mỗi hội viên để từ đó phối hợp với các ngành chức năng định hướng, tư vấn và tổ chức dạy nghề phù hợp. Ngoài ra, Chi hội cũng đặc biệt coi trọng công tác xã hội hóa trong việc dạy nghề cho người khuyết tật. Hiện tại, đã có một số chủ cửa hiệu làm tóc, làm móng trên địa bàn tình nguyện hỗ trợ dạy nghề cho những phụ nữ trẻ yêu nghề làm đẹp và có đủ sức khỏe để làm nghề. Nhiều phụ nữ khuyết tật trẻ rất háo hức với nghề này và đã đăng ký tham gia.
Ngoài ra, Chi hội sẽ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ… nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ khuyết tật; nâng cao hiệu quả các buổi sinh hoạt để các hội viên tự tin trao đổi thông tin, thảo luận , giao lưu, thực hành và áp dụng các kiến thức và kỹ năng được tập huấn vào công việc của mình… từ đó vươn lên hòa nhập cuộc sống.
Nguyễn Hùng