Chị Bùi Thị Thu ở xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) là một trong những hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp. Một thời gian dài, cả gia đình chị Thu sống nhờ vào nguồn thu nhập từ nghề thợ xây của chồng. Sau đó, chị Thu quyết định "gia nhập" vào đội thợ xây của chồng đi làm công trình khắp nơi, chủ yếu là ở tỉnh ngoài với nhiệm vụ chính là phụ hồ, kiêm thêm việc bếp núc. Cứ sau một thời gian ngắn nghỉ Tết là cả hai vợ chồng lại dắt díu nhau đi làm ăn xa.
Cùng lao động, thu nhập được cải thiện, song trừ các chi phí ăn, ở đi thì số tiền tích lũy còn lại cũng chẳng đáng là bao và điều lo lắng nhất đối với gia đình chị, đó là hai đứa con đang tuổi đến trường thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ. May mắn thay, từ năm 2016, khi Công ty giày Athena - Yên Lâm chính thức đi vào hoạt động, chị Thu được tiếp nhận vào làm công nhân tại đó. Sau vài năm làm việc, đến nay mức lương của chị Thu đã đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng. Vừa có thu nhập, chị Thu vừa bố trí thời gian để chăm lo cho gia đình, con cái. Ông Dương Thành Phiên, cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) cho biết, hiện nay, số dân trong độ tuổi lao động của xã là 2836 người, chiếm 31,66% dân số.
Vốn là xã thuần nông nên trước đây vào thời điểm nông nhàn, người dân trong xã phải đi xa để kiếm việc làm thêm. Với việc thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, huyện, những năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp về đầu tư tại Cụm công nghiệp Mai Sơn và đứng chân tại các xã. Riêng xã Yên Lâm có một doanh nghiệp lớn là Công ty Giày Athena, giải quyết việc làm cho gần 5 nghìn lao động, trong đó có gần 600 lao động của xã Yên Lâm. Hiện nay, doanh nghiệp Xuân Tình của một người dân trong xã đang duy trì và phát triển tốt nghề đan thảm cói xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho cho khoảng 700 lao động, đáng chú ý, đây đều là những lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng của các doanh nghiệp, với mức thu nhập từ 80-100 nghìn đồng/ngày, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 của xã còn 1,82%.
Theo thống kê từ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô, hiện nay trên địa bàn huyện có 12 doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 7 nghìn lao động. Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết, nếu như những năm trước đây, nhiều lao động trong, thậm chí là ngoài độ tuổi luôn phải lo lắng tìm việc làm, nhất là vào thời điểm nông nhàn thì đến nay tình trạng này được khắc phục rất nhiều. Số lao động Yên Mô ly hương đi làm ăn xa giảm đáng kể và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đặc thù như nghề xây dựng. Đối với những lao động không còn độ tuổi nằm trong phạm vi yêu câu tuyển dụng của các doanh nghiệp, huyện Yên Mô chú trọng đến công tác đào tạo nghề, cố gắng đưa những nghề phù hợp về truyền dạy và đảm bảo việc làm cho lao động sau đào tạo. Tính riêng trong năm 2018, đã có trên 2200 lao động được đào tạo nghề dưới mọi hình thức, trong đó trên 2100 lao động được tạo việc làm mới, đạt 106,95% kế hoạch giao.
Hiện nay tỉnh Ninh Bình có 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động trên 18.800 người. Riêng Ban quản lý các khu công nghiệp hiện nay đang trực tiếp quản lý 37 doanh nghiệp, với 33.963 người lao động, trong đó có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là những đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động nhiều nhất, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động tỉnh nhà. Tuy hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể về tỷ lệ lao động tỉnh Ninh Bình trong tổng số lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, song theo ông Phùng Minh Chung, Chủ tịch công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh thì một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết nguyên đán của tỉnh Ninh Bình đạt cao đó là do các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động tại chỗ, lao động ở các vùng lân cận. Lợi thế về nguồn lao động dồi dào, ngày càng được chuyên nghiệp hóa cũng đã trở thành điểm mạnh trong thu hút đầu tư của tỉnh nhà.
Bên cạnh việc thu hút nguồn lao động trẻ, lao động chất lượng cao vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, tỉnh ta cũng đã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trọng tâm là hướng vào các lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng của các doanh nghiệp. Theo đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020. Khảo sát nhu cầu học nghề và năng lực của các cơ sở dạy nghề, thẩm định thị trường đầu ra cho sản phẩm…
Nhờ đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng đi vào thực chất. Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 17.250 lượt người, trong đó dài hạn là 4.710 lượt người, ngắn hạn là 12.540 lượt người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách nhà nước là 39 lớp, cho 1.114 lao động. Tỉ lệ lao động có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%, đảm bảo tỷ lệ duy trì việc làm sau đào tạo ở mức trên 80%. Ngoài ra, tỉnh ta còn triển khai nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó trang bị cho người nông dân thêm nhiều kiến thức về thị trường, về cách sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, về kỹ thuật trồng cấy, chăn nuôi… đồng thời có những chính sách hỗ trợ về giống, vốn rất thiết thực. Đây là cơ sở để người nông dân thêm gắn bó và thêm quyết tâm làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương mình.
Bài, ảnh: Đào Hằng