Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với một người cựu chiến binh (CCB) đã từng là chiến sỹ Điện Biên - bác Bùi Văn Cầu (ở đường 3, phố Phúc Thắng, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình).
Phóng viên (P.V): Bác có thể kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ?
Bác Bùi Văn Cầu: Năm 1952 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc tôi xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi, biên chế vào Trung đoàn 254 thuộc Quân khu Hữu Ngạn cùng đồng đội mở đường, đào hào tiến sâu vào cứ điểm, rồi tham gia trận Tổng công kích giành toàn thắng ngày 7-5-1954. Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia từ những ngày đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được chứng kiến từ phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" của quân ta. Trung đội tôi biên chế 30 người, được giao nhiệm vụ đào một đoạn giao thông hào khoảng 50m. Chúng tôi tổ chức thành một hàng dọc, mỗi người cách nhau khoảng 1,5m, người đi đầu phải giữ một quả cầu rơm đường kính khoảng 0,5m để chặn đạn bắn thẳng của địch cho cả đội hình; lúc đầu nằm đào, sau dần dần chuyển sang cúi và ngồi đào... vừa đào vừa phải tránh đạn pháo và đạn bắn thẳng của địch, vì cứ 10 đến 15 phút chúng lại bắn ra một đợt đạn cối. Trong thời gian hơn một tuần liền, cứ mỗi buổi chiều từ 5 giờ là chúng tôi lại sẵn sàng vũ khí, cuốc xẻng tiến ra trận địa để đào giao thông hào cho đến gần sáng. Trong 3 đêm đầu trung đội tôi đã hy sinh và bị thương mất 15 đồng chí nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ trên giao, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
P.V: Bác có cảm xúc gì khi quân ta toàn thắng tại Điện Biên Phủ?
Bác Bùi Văn Cầu: Lúc đó, tôi và đồng đội sung sướng, hạnh phúc, tự hào lắm vì tại trận đánh này quân ta và quân địch ở thế giằng co ác liệt từng tấc đất, không những đấu súng mà còn phải đấu trí nữa. 54 ngày đêm tại chiến trường Điện Biên Phủ là những giây phút khó khăn vất vả, khoét núi, đào hầm để tổng công kích từ nhiều phía nhưng tất cả chiến sỹ đều không nản lòng, đều có một niềm tin chiến thắng. Và khi chiếm được hoàn toàn chiến trường Điện Biên Phủ, không hiểu sao nước mắt tôi cứ trào ra, phần vì vui mừng, phần vì trong mỗi chúng tôi ai cũng có suy nghĩ: Để có được ngày chiến thắng lịch sử này đã có bao đồng đội phải ngã xuống nơi chiến trường, hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình…
P.V: Được biết khi trở về từ chiến trường, bác vẫn tích cực tham gia công tác xã hội và có nhiều tâm huyết với thế hệ trẻ?
Bác Bùi Văn Cầu: Tôi ở trong quân đội đến năm 1989 thì xuất ngũ. Với quân hàm đại tá, trở về đời thường tôi luôn cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Với tôi, "lửa" Điện Biên không bao giờ tắt. Vì thế tôi muốn truyền ngọn lửa ấy cho thế hệ thanh niên bây giờ. Tôi thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện truyền thống, các diễn đàn thanh niên để ôn lại lịch sử, giúp thanh niên có cái nhìn trân trọng lịch sử để rồi từ đó xây dựng được cho mình hoài bão, ước mơ cho xứng đáng với những trang sử hào hùng của dân tộc.
P.V: Thế hệ của các bác đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc. Bác có so sánh gì giữa thế hệ trẻ các bác ngày ấy với thế hệ trẻ bây giờ?
Bác Bùi Văn Cầu: Mọi sự so sánh đều khập khiễng bởi mỗi thời có một hoàn cảnh khác nhau. Ngày xưa thế hệ chúng tôi sinh ra trong khói lửa của chiến tranh, thiếu thốn nhiều vì thế khát vọng lớn nhất là đánh giặc giữ nước, dành độc lập cho dân tộc. Phương châm sống của cả một thế hệ thanh niên lúc bấy giờ là "Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa, vui gì hơn làm người lính đi đầu". Chính vì thế thanh niên ngày ấy không tiếc máu xương, không tiếc tuổi thanh xuân để chiến đấu, bảo vệ quê hương.
Thế hệ trẻ ngày nay sinh ra và lớn lên trong hòa bình, vì thế theo tôi, nhiệm vụ hàng đầu là học tập để xây dựng quê hương đất nước. Thanh niên bây giờ rất năng động, sáng tạo, nhiệt tình, ham mê học hỏi, có những ước mơ đẹp. Thế hệ trẻ ngày nay vẫn phát huy được tinh thần cha ông đi trước, luôn mang trong mình ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, góp công sức trí tuệ xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp.
P.V: Xin cảm ơn bác!
Quỳnh Thu (Thực hiện)