Trong không gian lễ hội rộng lớn, tiếng cồng chiêng vang lên thứ âm thanh trầm hùng. Những bước chân uyển chuyển, khoan thai như mang lại một cảm giác yên bình đến tĩnh tại. Cảm xúc náo nức về một ngày đi trẩy hội, bỏ lại phía sau sự ồn ào và mọi lo toan của cuộc sống.
Tận sâu ánh mắt các bà, các chị trong đội chiêng lấp lánh niềm vui, lòng tự hào về thứ âm thanh đậm nét văn hóa của đồng bào Mường. Nghe tiếng chiêng vang xa, những du khách thập phương đủ mọi lứa tuổi, trong đó có cả du khách nước ngoài, những em nhỏ… cũng hội tụ trước sân khấu để thưởng thức một cách say sưa, mới mẻ.
Bà Đinh Thị Ninh, 65 tuổi, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Ngoài những nghi lễ truyền thống, lễ hội Hoa Lư năm nay còn có rất nhiều hoạt động hấp dẫn. Đặc biệt, bản sắc văn hóa của mảnh đất Cố đô lịch sử còn hội tụ ở buổi diễn văn nghệ quần chúng này. Đây là lần đầu tiên tôi được xem biểu diễn cồng chiêng. Tiếng Chiêng khi trầm, khi bổng; khi tha thiết, lúc lại như thúc giục; khi oai hùng, lúc lại thủ thỉ tâm tình như lời gửi gắm của đồng bào Mường ở các bản của xã vùng cao Quảng Lạc. Chừng ấy thôi, đủ để mê đắm du khách thập phương, tạo một điểm nhấn văn hóa độc đáo cho lễ hội Hoa Lư.
Ông Bùi Hồng Y, một thành viên cao tuổi nhất trong đội cồng chiêng xã Quảng Lạc không giấu được niềm xúc động: Mặc dù tiếng cồng chiêng của đồng bào Mường chỉ là đặc trưng của một tộc người, song không vì thế mà đơn điệu, trái lại cũng đủ mọi sắc âm. Được mang một chút hương vị của đồng bào Mường đến với lễ hội, được du khách yêu thích cổ vũ, đó là niềm động viên lớn đối với chúng tôi. Những bài hòa tấu chiêng đã quá quen thuộc với người Quảng Lạc, xong để mang đến lễ hội Hoa Lư một tiết mục hấp dẫn nhất, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách thì đội cồng chiêng của xã đã tích cực, hăng say tập luyện từ trước đó cả tuần lễ.
Nâng niu chiếc chiêng cổ như thể chạm vào những kỷ niệm dội về từ ký ức rất xa xưa, ông Bùi Hồng Y bảo, đây là những chiếc chiêng cổ quý hiếm đấy. Trải qua nhiều biến cố của thời gian mà hiện nay cả xã chỉ còn lại vài chiếng chiêng cổ, còn lại là hàng trăm chiếc chiêng đúc. Từ bao đời nay, những chiếc chiêng cổ này luôn được nâng niu, gìn giữ và tự hào như một "báu vật" chung của cả xã.
Chị Bùi Thị Doan là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của đội chiêng gồm 20 người của xã Quảng Lạc biểu diễn tại Lễ hội Hoa Lư năm nay. Là lần thứ 3 tham gia biểu diễn tại lễ hội, nhưng cảm xúc hồi hộp, vui sướng và tự hào khi bản hòa tấu chiêng của đồng bào Mường ở bản làng mình ngân vang, được du khách thập phương háo hức tới xem và cổ vũ.
"Tất cả các thành viên trong đội cồng chiêng chúng tôi đều là những diễn viên "chân lấm tay bùn". Nhưng khi xong việc đồng ruộng, nương rẫy thì niềm vui của chúng tôi là được tập luyện, biểu diễn cồng chiêng. Lời của chiêng thay lời ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, đời sống người dân được ấm no"- chị Doan chia sẻ.
Tham gia vào câu chuyện giữa chúng tôi, anh Bùi Văn Du, cán bộ văn hóa xã Quảng Lạc tự hào cho biết, đối với đồng bào dân tộc Mường ở Quảng Lạc, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng và gắn bó gần như trọn vẹn đời sống của bà con. Một đứa trẻ khi mới được lọt lòng mẹ, nó đã được tiếng Chiêng hoan hỉ chào đón và loan báo tin mừng đến cộng động dân cư.
Đến lúc trưởng thành, những chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành, lập gia đình thì trong ngày cưới ấy, đội chiêng sẽ đánh những tiếng chiêng chúc mừng hạnh phúc; cồng chiêng cũng thúc giục khí thế hăng say sản xuất khi vào vụ mới hay gọi nhà nhà đến chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no.
Tiếng chiêng cũng là âm thanh đặc biệt, tri kỷ để tiễn đưa những linh linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma… Thời xưa, các cụ kể lại rằng, ở trong thôn, mọi người liên hệ với nhau, kết nối và truyền tin cho nhau cũng bởi tiếng chiêng. Vì vậy, mà tiếng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Mường.
Bài, ảnh: Đào Hằng