Đồng chí Phạm Văn Sang, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XD NTM), hệ thống dân vận từ huyện tới cơ sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo việc tổ chức quán triệt học tập ở các cấp, các ngành; phân công cán bộ trực tiếp vận động, hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện. Tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến vào việc xây dựng đề án của chương trình, tham gia ý kiến vào việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của địa phương, cơ chế huy động đóng góp tham gia của nhân dân. Hướng dẫn để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư. Động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát động các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, phòng chống các tệ nạn xã hội...
Ở cơ sở, căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, các Khối dân vận đã đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo với nội dung xác thực, góp phần giải quyết những vấn đề ở từng khu dân cư, như khối dân vận ở các xã bãi ngang (Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông) tập trung vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nhiều địa phương khác đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"…
Căn cứ vào nội dung đăng ký, các Khối dân vận tham mưu cho cấp ủy ra nghị quyết lãnh đạo, phân công đảng viên thực hiện nhiệm vụ cụ thể của công tác Dân vận. Khối dân vận bám sát hoạt động của cộng đồng dân cư, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có những hình thức tuyên truyền, vận động sát tới từng đối tượng.
Kim Sơn có tới hơn 40% đồng bào theo đạo Công giáo, vì vậy công tác vận động quần chúng có những nét riêng, nổi bật. Cán bộ dân vận thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các chức sắc, chức việc trên địa bàn về Chương trình XD NTM của địa phương. Sau đó bằng tình cảm, uy tín, trách nhiệm của mình trước cộng đồng và bà con giáo dân, Ban chấp hành các xứ, họ đạo đã làm chuyển biến nhận thức của đa số đồng bào Công giáo, từ đó bà con tự nguyện tham gia các phong trào thi đua.
Trong phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở mang các ngành nghề kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều gia đình Công giáo trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi, nhiều giáo dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, làm ăn có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tại nhiều xứ, họ đạo, bà con giáo dân đã có nhiều hình thức hỗ trợ các hộ nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Giáo xứ Phát Diệm đã xây dựng được quỹ trên 200 triệu đồng cho bà con giáo dân vay không lấy lãi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Công giáo trong huyện cũng đã tích cực tham gia xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương, tự nguyện hiến đất làm đường, thực hiện quy hoạch nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chương trình XD NTM ở Kim Sơn đã được hệ thống chính trị vào cuộc, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Đến nay tổng giá trị nguồn vốn do nhân dân đóng góp là 26.418 triệu đồng, có 992 hộ dân tình nguyện hiến đất phục vụ xây dựng các công trình với diện tích 30.621 m2, ước tính trị giá 3.245 triệu đồng. Toàn huyện đã tổ chức và vận động nhân dân đóng góp xây dựng được 14 nhà văn hóa thôn, xóm, làm mới và nâng cấp 16.337 m đường giao thông nông thôn, 12.457 m kênh mương. Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, toàn huyện đã xét và công nhận thêm 18 thôn, xóm đạt tiêu chuẩn thôn, xóm văn hóa… Về phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, huyện đã mở được 28 lớp dạy nghề cho 1.450 người, triển khai 16 mô hình và nhân ra diện rộng 10 mô hình phát triển sản xuất.
Đào Duy