Bệnh nhân Bùi Văn Tiến quê ở huyện Yên Khánh, được gia đình đưa vào chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan sau khi đã đi khá nhiều nơi chữa trị bệnh trầm cảm nhưng bệnh không thuyên giảm. Bởi vậy, thấy con chuyển biến tốt hơn sau hơn 3 tháng được chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng tại Trung tâm, chị Mai - mẹ của bệnh nhân Bùi Văn Tiến hết sức phấn khởi, tràn đầy hy vọng. Chị Mai cho biết: Con tôi bị trầm cảm nặng từ năm học cấp 2, đến nay cháu đã ngoài 20 tuổi. Gia đình tôi đưa cháu đi điều trị ở nhiều nơi không khỏi, đành đưa cháu về nhà điều trị duy trì theo đơn của Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Để cháu ở nhà nhưng chúng tôi lại ít có thời gian chăm sóc, trò chuyện do phải vất vả mưu sinh nên lúc nào cũng thấy bất an. Khi biết thông tin Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan nhận chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho những bệnh nhân tâm thần dưới dạng tự nguyện, gia đình tôi đã làm thủ tục để gửi cháu vào điều trị tại đây. Lên thăm con lần này, thấy cháu đã cải thiện nhiều về sức khỏe và tình trạng bệnh, tôi sẽ cho cháu nghỉ vài ngày về thăm nhà sau đó trở lại Trung tâm để điều trị tiếp.
Gia đình bà Mơ ở huyện Gia Viễn cũng là một trong những gia đình đầu tiên gửi gắm con vào Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan để được chăm sóc, điều trị. Bà Mơ cho biết, con trai bà bị bệnh tâm thần phân liệt, bình thường rất hiền lành, nhưng mỗi khi lên cơn kích động thì nổi loạn, dễ gây nguy hiểm cho những người sống xung quanh. Sức khỏe bà Mơ ngày càng già yếu, bởi vậy việc quản lý, chăm sóc cho người con trai bị tâm thần càng thêm khó khăn. "Gửi con vào Trung tâm, được các bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị, tôi yên tâm lắm. Việc tiếp nhận những đối tượng tâm thần xã hội dưới dạng tự nguyện mà các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện trong thời gian qua thực sự trở thành "cứu cánh" cho những gia đình có người thân bị mắc bệnh tâm thần"- bà Mơ khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan cho biết, trước khi làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép được tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần dưới dạng tự nguyện, chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát thăm dò nhu cầu của các gia đình có người thân không may mắc bệnh tâm thần. Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.000 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Đa số những bệnh nhân đó đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, thậm chí nhiều gia đình không có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh. Bởi hầu hết các bệnh nhân đều đã được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi song không khỏi, kinh tế vì thế mà khánh kiệt. Để người bệnh ở nhà tự chăm sóc thì có nhiều nguy cơ xảy ra, vừa khó khăn trong quản lý, chăm sóc, lại làm mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương, thậm chí người bệnh có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh mỗi khi lên cơn kích động mạnh. Vì vậy, tâm lý của hầu hết các gia đình là được gửi con, em mắc bệnh tâm thần đến các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng xã hội.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần, đó là Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan và Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô. Trong đó, với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thì đối tượng chủ yếu là các thương, bệnh binh. Thực hiện Quyết định số 1577 của UBND tỉnh, Trung tâm đã có kế hoạch tiếp nhận thêm 50 - 70 bệnh nhân thuộc diện tự nguyện với mức đóng góp hơn 2,9 triệu đồng/người/tháng, trong đó, bao gồm tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền thuốc và chi phí quản lý, chăm sóc, điều trị… Mức đóng góp này đã được tính toán ở mức tối thiểu, nhằm tạo điều kiện cho gia đình người bệnh.
Ông Phạm Văn Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô cho biết thêm, những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách của Nhà nước đối với người mắc bệnh tâm thần, đặc biệt tỉnh ta cũng đã có chính sách riêng trong việc hỗ trợ nâng cao mức tiền ăn của người bệnh đang được chăm sóc, điều trị tại các Trung tâm. Với việc ban hành quyết định cho các Trung tâm được tiếp nhận đối tượng tâm thần tự nguyện đã mở ra một hướng mới, tạo điều kiện cho gia đình bệnh nhân gửi người bệnh đến các cơ sở để được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tốt hơn. Hiện Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô đã tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho 20 bệnh nhân tâm thần diện tự nguyện. Tuy nhiên, để quyết định đầy tính nhân văn này thực sự trở thành "cứu cánh" cho bệnh nhân tâm thần thì gia đình những bệnh nhân cũng rất mong có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương… để chia sẻ phần nào khó khăn về khoản kinh phí đóng góp mỗi tháng.
Nguyễn Hùng