Với vị trí "đắc địa" nằm trên tuyến Quốc lộ 1, sát khu dân cư, cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp thu hút khá đông người dân đến xem, lựa chọn và mua hàng. Ông Trịnh Văn Tiến, chủ cửa hàng cho biết: Chúng tôi bày bán các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, được sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, do các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác có uy tín, các hội viên nông dân Ninh Bình chăn nuôi và sản xuất. Ngoài ra, cửa hàng còn có thêm nguồn hàng theo kiểu "cây nhà lá vườn" do chính trang trại của gia đình sản xuất. Được biết trang trại của gia đình ông Tiến có quy mô khoảng 23 ha nằm trên địa bàn xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp). Từ nhiều năm nay trang trại này đã được rất nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh biết đến với những cây, con đặc sản có giá trị, có chất lượng tốt như: dê, lợn cắp nách, gà đồi, cá quả, cá trắm đen, măng bát độ… Tuy nhiên chỉ đến khi cửa hàng được thành lập, những "đặc sản" này mới thực sự tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng "bình dân".
Cửa hàng Nông sản an toàn Thanh Bình là cửa hàng thứ 5 trên địa bàn thành phố do Hội Nông dân thành phố phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng. Dù chỉ vừa mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2019 nhưng cửa hàng Nông sản an toàn Thanh Bình đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng vì ở đây chuyên cung cấp những mặt hàng sạch, được thu mua từ các mô hình điểm về sản xuất chế biến nông sản an toàn do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh triển khai. Hiện nay cửa hàng đang bán các loại thực phẩm an toàn, thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGap như thịt lợn sạch của Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ và thương mại Bắc Bình - Hà Nội; dầu lạc, dầu vừng, bún, miến thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, rau củ quả của HTX rau an toàn Khánh Thành, HTX rau an toàn Phúc Long, cơm cháy Đại Long, trứng gà an toàn sinh học… đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sự ra đời của các cửa hàng nông sản ở thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình… đã trở thành đầu mối quan trọng, giúp liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân và cũng là địa chỉ cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường. Điểm chung là các cửa hàng này đều nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực từ các cấp Hội nông dân với vai trò là sợi dây liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh: Qua khảo sát thực tế, điều dễ nhận thấy là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ yếu bằng hình thức thương lái, thông qua mạng lưới chợ truyền thống. Do vậy việc bị chèn ép về giá là điều khó tránh khỏi. Thị trường tiêu thụ cũng quanh quẩn trong xã, trong huyện và các vùng lân cận; tỷ lệ nông sản có mặt tại các mạng lưới cửa hàng, siêu thị, nhà hàng… còn ít. Và, một thực tế là nông dân phải bán qua rất nhiều khâu trung gian nên giá cả từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên. Chính bởi vậy thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn thông qua việc giới thiệu, liên kết và tiêu thụ sản phẩm ở gần 20 cửa hàng nông sản an toàn do Hội phối hợp thành lập trên địa bàn toàn tỉnh. Chuỗi cửa hàng này không chỉ là "cầu nối", tạo đầu ra ổn định, giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn của người nông dân mà còn khuyến khích các đơn vị sản xuất nông sản tại địa phương chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng an toàn để cung cấp cho thị trường.
Cũng nhờ đó, hiện toàn tỉnh đã có 465 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" trên các lĩnh vực sản xuất như mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình HTX chăn nuôi dê núi đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; mô hình chế biến bún, bánh an toàn; mô hình sản xuất giò chả an toàn, mô hình sản xuất mắm tép an toàn, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, ngoài mục đích kinh doanh, các Cửa hàng nông sản an toàn do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập còn là kênh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện tốt và tuân thủ quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; kêu gọi lựa chọn, sử dụng nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe.
Để đẩy mạnh hoạt động này, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại; tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã phát triển sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững và đặc biệt là mở rộng hệ thống cửa hàng nông sản sạch tới nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đào Duy