Tìm được tiếng nói chung Công ty TNHH Giầy Athena (Yên Mô) - một doanh nghiệp lớn có tới 5.800 lao động nhưng những ngày gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã phải cho khoảng gần 1/3 số lao động nghỉ việc. Đây thực sự là một "cú sốc" với những công nhân vốn sống dựa chủ yếu vào nguồn thu nhập từ Công ty. Buồn có, lo lắng có nhưng đa số người lao động đều thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn mà Công ty đang gặp phải. ở chiều ngược lại, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã không để cho công nhân của mình phải "trắng tay" ở nhà.
Theo đó, đối với hơn 1.200 lao động có hợp đồng dưới 12 tháng, Công ty hỗ trợ một tháng lương dù luật không bắt buộc, nhiều lao động khác được tạo điều kiện hoạt động cầm chừng nhằm duy trì một phần thu nhập… Để có được "tiếng nói chung" giữa người sử dụng lao động và người lao động như vậy không thể không kể đến vai trò cầu nối của tổ chức công đoàn từ huyện xuống cơ sở.
Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Ngay khi nắm được tình hình biến động việc làm ở Công ty, chúng tôi đã nhanh chóng lên kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan trực tiếp xuống cơ sở gặp gỡ người lao động cũng như chủ doanh nghiệp.
Ông Bình chia sẻ, ban đầu lãnh đạo doanh nghiệp rất băn khoăn, do dự về khoản hỗ trợ 1 tháng lương cho đối tượng lao động có hợp đồng dưới 12 tháng nhưng sau khi tổ chức công đoàn phân tích, thuyết phục rằng đây chính là cơ hội thể hiện được tâm và tầm của doanh nghiệp, không bỏ rơi người lao động trong lúc khó khăn, đồng thời cũng chính là cách tốt nhất để thu hút họ trở lại ngay khi dịch kết thúc… Và quyết định đã nhanh chóng được đưa ra, kịp thời hỗ trợ cho số đông lao động. Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện cũng tuyên truyền để người lao động không hoang mang, sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp trong mọi tình huống.
Còn tại Công ty TNHH Nghi Phương Ninh Bình, có địa chỉ tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, thời gian gần đây cũng đang gặp phải khó khăn do không có đơn hàng. LĐLĐ huyện đã gặp gỡ trực tiếp với đại diện Ban giám đốc, CĐCS Công ty và người lao động để nắm bắt thông tin từ 2 phía.
Theo đó, Ban Giám đốc đã đưa ra một số giải pháp tạm thời để khắc phục như cho công nhân nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên,… Không chỉ lắng nghe, Thường trực LĐLĐ huyện còn tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho Ban Giám đốc Công ty và hướng dẫn CĐCS phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan trong thời điểm này.
Mặt khác LĐLĐ huyện cũng giải đáp những băn khoăn và tuyên truyền để người lao động nỗ lực cùng Công ty vượt qua khó khăn. Từ đó góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Ngoài ra, LĐLĐ huyện cũng đã trao hỗ trợ công nhân là hộ nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng thu nhập do dịch bệnh mỗi người 25 kg gạo.
Đối thoại tại nơi làm việc
Có thể thấy, tại Công ty Giầy Athena hay Công ty Nghi Phương, mọi vướng mắc dường như đều được giải quyết thông qua gặp gỡ, đối thoại. Và đây cũng là cách mà các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện hiệu quả nhằm đem lại mối quan hệ hài hòa tại doanh nghiệp trong thời gian qua.
Các cấp công đoàn đã phân công cán bộ thường xuyên nắm tình hình cơ sở, kịp thời phát hiện, thông tin về những diễn biến mới phát sinh trong tình hình CNVCLĐ; chủ động tham gia, phối hợp tốt với chính quyền, chuyên môn đồng cấp từng bước nâng cao chất lượng hội nghị CBCCVC, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quan hệ lao động.
Trong năm 2019 đã có 146/214 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; có 247/262 tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thời điểm đầu năm 2020 các hoạt động đối thoại được thực hiện ở quy mô phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch.
Điểm nổi bật là nhiều CĐCS đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị, tập trung đánh giá những việc đã làm được, những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ đề ra, các giải pháp khắc phục, góp phần duy trì việc làm, ổn định thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc của người lao động, giảm bớt tính hình thức trong việc tổ chức hội nghị và đối thoại.
Cũng nhờ việc phát huy hiệu quả các cuộc đối thoại mà đa số những bức xúc, khiếu nại của người lao động đã được giải quyết kịp thời, không để mâu thuẫn kéo dài. Từ đó số vụ tranh chấp lao động trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Đối với những vụ việc đã xảy ra, các cấp Công đoàn kịp thời nắm tình hình, trao đổi, đối thoại với người sử dụng lao động tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng.
Đặc biệt, tác động rõ nét nhất từ quá trình đối thoại chính là việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, có 173/262 CĐCS doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhiều bản thỏa ước lao động tập thể đã thực chất hơn, ngắn gọn, tập trung vào những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc, cải thiện điều kiện làm việc và một số chế độ đối với lao động nữ...
Chủ doanh nghiệp đã quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất nhằm phát huy quyền làm chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện quyền dân chủ theo quy định của pháp luật.
Duy Hiền